Du lịch Việt Nam “Liên kết, hành động và phát triển”

Sáng 28/11, tại tỉnh Quảng Nam diễn ra khai mạc Hội nghị du lịch toàn quốc năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp phục hồi du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch cần tập trung nâng cao chất lượng, cơ cấu lại thị trường khách và thúc đẩy chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch cần tập trung nâng cao chất lượng, cơ cấu lại thị trường khách và thúc đẩy chuyển đổi số.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả và nỗ lực mà ngành du lịch đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Phó Thủ tướng lưu ý các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung quan tâm chất lượng khách; chủ động tái cơ cấu thị trường khách du lịch; để người Việt trải nghiệm các dịch vụ cao cấp mà trước đây dành cho khách quốc tế và phát triển du lịch phải bảo đảm an toàn và vấn đề an toàn du lịch phải được đặt lên trên hết. An toàn ở đây không chỉ an toàn về sức khỏe, an toàn không để dịch Covid-19 lây lan… mà an toàn còn là nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe con người, phải hạn chế các rủi ro khi du khách đến tham quan.

“Du lịch là một ngành cần thiết và có điều kiện chuyển đổi số rất nhanh. sắp đến, ngành du lịch phải chuyển đổi số, hướng đến dữ liệu hóa, tạo nền tảng số hóa tất cả dịch vụ. Thông qua chuyển đổi số, ngành du lịch có điều kiện để đáp ứng nhu cầu của du khách, giúp khách trải nghiệm thuận lợi các dịch vụ và tại các điểm đến tham quan”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ VH-TT&DL cho biết, ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc. Khách quốc tế đến Việt Nam từ 7,9 triệu lên 18 triệu, bình quân tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5% một năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).

Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề khiến doanh nghiệp lao đao, các điểm đến vắng khách hẳn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Lượng khách du lịch nội địa giảm đến 45%, thiệt hại tới 23 tỉ USD, thời điểm giảm bắt đầu từ tháng 3/2020. Thời gian qua, cả nước vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành du lịch cũng chứng kiến giai đoạn cầm cự đầy kiên cường trong bộn bề khó khăn.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cũng như các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến du lịch; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái; đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương tập trung xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh khá sớm, tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thông tin ICT để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vấn đề được người dân quan tâm trên các lĩnh vực: giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa… Đẩy mạnh số hóa, liên thông và chia sẻ dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với mục tiêu quản lý đô thị tinh gọn, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh tiếp cận được với các thành phố thông minh và hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong 03 lĩnh vực: du lịch, y tế và giáo dục.

Thực hiện nhiệm vụ đó, đối với lĩnh vực du lịch, những năm gần đây, bên cạnh các loại hình được xem là thế mạnh mà điểm đến Thừa Thiên Huế đang khai thác và cung cấp dịch vụ, du lịch thông minh cũng đã được tỉnh tập trung xây dựng và phát triển. Với quan điểm du lịch thông minh chỉ có được trên nền tảng của một đô thị thông minh, tỉnh hiện đang tập trung vào hai khía cạnh: quản lý, điều hành thông minh đối với chính quyền, doanh nghiệp và trải nghiệm các tiện ích thông minh đối với du khách.

Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh số hóa dữ liệu ngành du lịch, không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng đồng bộ, cập nhật dữ liệu liên tục để làm nền tảng cho các ứng dụng thông minh. Tăng cường các dịch vụ trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách, nhất là tại các điểm tham quan du lịch văn hóa. Tăng cường quảng bá trực tuyến (e-marketing/digital marketing), xây dựng hệ thống đồng bộ, có các tiện ích thông minh để kịp thời cung cấp thông tin cho du khách. Triển khai phần mềm quản lý ngành du lịch thống nhất, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan, đẩy mạnh hỗ trợ du khách trực tuyến. Đẩy mạnh triển khai các dự án trải nghiệm thông minh khác như Thẻ du lịch thông minh (Huế travel passport).

“Với việc sở hữu 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận, Thừa Thiên Huế là điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc để xây dựng các trải nghiệm thực tế ảo ấn tượng và hấp dẫn. Chương trình “Đi tìm Hoàng cung đã mất” tại Đại Nội; bằng công nghệ thực tế ảo VR 360 hiện đại đã tái tạo các công trình kiến trúc hoàng cung trong không gian đa chiều, giúp người xem thấy tận mắt không gian Hoàng cung Huế của hàng trăm năm trước. Ngoài ra, du khách cũng có thể trải nghiệm các sản phẩm VR 360 độ, mô phỏng 3D, các clip về Huế được trình chiếu trên các kênh của hệ thống quảng bá Visit Hue. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã cung cấp dịch vụ hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Với ứng dụng này, du khách muốn tìm hiểu sâu về lịch sử, di sản sẽ có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu kỹ hơn các điểm di tích. Tương tự, khi đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, du khách cũng có thể sử dụng mã QR code của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan các cổ vật qua không gian 3D…” ” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình thông tin thêm.

Tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đề xuất các cơ quan Trung ương quan tâm, chọn Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến thí điểm triển khai loại hình du lịch thông minh. Trong đó quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống máy chủ, máy trạm, đường truyền tốc độ cao, phủ wifi diện rộng để phục vụ du khách. Hỗ trợ tỉnh tiếp tục số hóa dữ liệu ngành du lịch và kết nối với dữ liệu của các ngành khác.

Cần có các chương trình đào tạo phù hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, nâng cao tư duy, trình độ đội ngũ nhân lực du lịch về công nghệ thông tin và phát triển du lịch thông minh. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác công nghệ lớn để tận dụng tri thức, nguồn lực phát triển.

Đồng thời sự phát triển của du lịch thông minh chắc chắn sẽ thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của các chủ thể trong ngành du lịch, trong khi các quy định về pháp lý không theo kịp thực tế phát triển. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong ngành du lịch về sự cần thiết và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình hiện nay.

 Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và năm địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Bình Định.
 Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và năm địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Bình Định.

Quốc Dũng - Kim Long

Từ khóa: