Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng GDP 2021 tăng trưởng 7,1%

Dù đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, triển vọng đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và những lợi thế từ hội nhập kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng GDP 2021 tăng trưởng 7,1% - Ảnh 1

Theo báo cáo chiến lược đầu tư 2021, công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ghi nhận thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam tránh được sự suy thoái và duy trì GDP tăng trưởng dương trong năm 2020.

Công ty kỳ vọng GDP 2021 tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ được tiếp sức bởi tăng trưởng 8,8% của ngành chế biến chế tạo và 7,1% của khu vực dịch vụ. Công ty dự báo xuất khẩu tăng tốc với tăng trưởng 12% trong năm 2021 khi tổng cầu phục hồi ở các nước sau khi vaccine được thử nghiệm và sử dụng đại trà. Đồng Việt Nam nhiều khả năng mạnh lên do thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao. Không nhìn thấy áp lực lớn nào lên lạm phát trong năm sau giữa đà tăng của giá dầu khi mà giá thực phẩm đang hạ nhiệt.

Đối với giai đoạn đầu tư mới, doanh nghiệp đưa ra bốn luận điểm, thứ nhất, đà tăng trưởng của tổng cầu nội địa và niềm tin người tiêu dùng hồi phục sẽ trợ lực giúp bán lẻ, thực phẩm & đồ uống hồi phục nhanh hơn các ngành khác. Thứ 2, Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp VLXD và hạ tầng hàng không. Thứ 3, ngành chế biến chế tạo là một trong những động lực tăng trưởng nhờ sự hồi phục của thương mại toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc. Cuối cùng, môi trường lãi suất thấp sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng
và các doanh nghiệp phát triển bất động sản. 

VNDIRECT nhận định, khi GDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,1% là một kết quả ấn tượng khi Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 9 tháng 2020. Xuất khẩu và đầu tư công là hai động lực tăng trưởng chính.

Xuất khẩu đạt tăng trưởng khả quan 5,3% trong 11 tháng bất chấp thương mại toàn cầu bị thắt chặt, trong khi đó, giải ngân đầu tư công tăng mạnh 34%  đạt 407 nghìn tỷ trong, vượt trội so với mức tăng 7% trong cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã thành công trong việc duy trì kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh toàn cầu suy thoái. Áp lực lạm phát được kiểm soát tốt mặc dù chỉ số giá thực phẩm tăng mạnh; CPI bình quân trong 11T20 tăng 3,5%, thấp hơn mức trần 4,0% cho năm 2020. Tỷ giá hối đoái duy trì ổn định nhờ thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tăng mạnh.

Hà My