Rực rỡ làng hương

Từ xa xưa, nén hương đã đi vào đời sống văn hoá, tín ngưỡng của người dân Việt Nam như 1 nét đẹp truyền thống và thiêng liêng. Nén hương như cầu nối giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất…

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35km là làng nghề có truyền thống lâu đời bậc nhất về làm hương và tăm hương xuất khẩu. Vào mọi thời điểm trong năm, ngoại trừ những ngày trời mưa, lúc nào chúng ta cũng bắt gặp màu đỏ rực của chân hương, hương tăm trên khắp các đường làng ngõ xóm.

Rực rỡ  làng hương - Ảnh 1

Tục truyền rằng, làng “Xà Cầu Trại” xưa kia có lập một miếu thờ 3 chị em nữ tướng Chiêu Nương là những tướng của Hai Bà Trưng. Sau khi đánh đuổi quân Mã Viện đã lánh ngự về làng Xà Cầu.

Trong thời gian ở cùng với dân làng, đã được dân làng bao bọc, che chở, ba chị em bà đã vận động dân làng lao động sản xuất, tích cóp lương thực, rèn vũ khí…

Đặc biệt đã truyền cho dân làng cách làm que hương đen, được làm từ nhựa của cây trám rừng cùng với các chất liệu thảo mộc thiên nhiên, tăm hương được làm từ thân cây tre non.

Thân cây tre non được chặt thành từng đoạn, vót tròn, phơi khô, bột hương được nghiền nhỏ mịn trộn cùng với nhựa cây trám rừng rồi se, lăn bằng tay với que tre để được que hương đen. Hương đen được các gia đình dùng trong ngày giỗ ông bà tổ tiên, ngày tết, ngày lễ…; dùng thắp ở những nơi thờ cúng linh thiêng như: Đình, chùa, miếu mạo trong làng, cũng như khắp mọi nơi trong đất nước Việt thuở đó. Sau khi ba chị em bà mất đi, dân làng đã tôn danh là “Thành Hoàng Làng của làng Xà Cầu” và lập đền thờ nay gọi là “Miếu Làng Cả đền thờ tam vị Đại vương”.

Hương được phơi đỏ rực một góc sân xã Quảng Phú Cầu

Hương được phơi đỏ rực một góc sân xã Quảng Phú Cầu

Theo người dân, một nén hương từ lúc bắt đầu sản xuất đến khi hoàn thành phải trải qua rất nhiều các công đoạn từ chẻ vầu, vót tăm, nhuộm tăm, phơi tăm rồi tới làm bột nhang, thân nhang, phơi khô và khâu cuối cùng là đóng gói và hoàn thiện sản phẩm. Mỗi tháng có hàng trăm tấn tre nứa được thu mua từ các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ về đây sau đó được vót theo kích cỡ nhất định của từng loại.

Hương được phơi trên giàn cao nắng hanh để có thành phẩm tốt
Hương được phơi trên giàn cao nắng hanh để có thành phẩm tốt

Tiếp đó, những tăm hương sẽ được nhuộm màu, công đoạn này thường được người thợ thực hiện từ lúc tờ mờ sáng để tăm có nhiều thời gian phơi dưới nắng hơn. Sau đó những que tăm hương sẽ được vê bột hương bằng máy và tiếp tục được phơi nắng. Nét đặc sắc của Hương đen Xà Cầu được làm từ than đen và nhựa trám. Đặc trưng có màu đen và mùi thơm từ nhựa trám rừng nên khác hẳn các mùi hương khác. Những người thợ tâm niệm rằng nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh nên họ làm nghề bằng tất cả cái tâm của mình. Đặc biệt để làm nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và vô cùng kĩ lưỡng.

Hương được xếp thành hàng ngay ngắn
Hương được xếp thành hàng ngay ngắn

Vàng và đỏ theo quan niệm của người phương Đông tượng trưng cho may mắn, phúc lộc. Chính vì vậy, phần chân hương thường có màu đỏ, còn phần thân nhang màu vàng. Nghề làm hương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng hanh là thời tiết vàng của người làm hương, thợ làm hương thường tránh đưa hương qua lửa vì như vậy hương sẽ mất mùi, giảm chất lượng.

Nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu đã mang lại công việc và thu nhập ổn định cho người dân trong xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của toàn huyện. Trải qua bao thời gian, nghề sản xuất tăm hương của Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển và trở thành một sản phẩm đặc trưng của xã cũng như của làng nghề Hà Nội. Khi thắp lên nén hương thơm là ẩn chứa bao nhiêu nhọc nhằn, tâm huyết và tình yêu nghề của người dân nơi đây.

Hương Trà