Sẵn sàng "ứng chiến" cơn bão số 5 vào miền Trung

Với diễn biến phức tạp cơn bão số 5 vào miền Trung, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tình hình chống bão;; yêu cầu chính quyền phải có phương án đảm bảo an toàn cho người dân trước, trong và sau bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại cảng cá Thuận An
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại cảng cá Thuận An

Sáng 17/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến tỉnh Thừa Thiên Huế thị sát tình hình phòng chống bão số 5, đây là cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này.

Kiểm tra trực tiếp tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An huyện Phú Vang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 5 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể tỉnh đã kịp thời thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão, đồng thời kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn; tỉnh cũng đã chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời hơn 42.000 hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Học sinh toàn tỉnh cũng đã được thông báo nghỉ học vào ngày 18 & 19/9 để tránh bão.

Nhận định đây là cơn bão lớn, đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền địa phương và người dân hết sức cảnh giác, chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, nhà yếu không bảo đảm an toàn. Đề nghị địa phương sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.  Lên phương án cụ thể để bảo vệ công trình, khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các công trình đang thi công.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sau bão bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bảo đảm an toàn công trình xây dựng, đê điều, hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện. Cùng với đó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động tiêu úng chống ngập. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” trong mọi tình huống và triển khai khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 5. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 5. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG

Kịp thời sơ tán, cung ứng nhu yếu phẩm cho bà con tránh bão

Để ứng phó cơn bão số 5, Đoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đi kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, để ứng phó với bão, tỉnh tổ chức di dời, sơ tán trên 94.000 người ở 125 xã, phường, thị trấn. Việc sơ tán được tỉnh hoàn thành trước 20h ngày 17-9. Dự kiến đến 16h cùng ngày, tất cả hơn 2.300 tàu thuyền của tỉnh cũng sẽ về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cũng đã dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống bão số 5 gồm 50.000 thùng mì ăn liền, 300 tấn gạo, 30.000 chai nước uống, 20 tấn đường...

Vừa chống bão, đảm bảo thực hiện nghiêm trong phòng chống dịch Covid-19

Cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng tiếp tục có công điện gửi các cơ quan chức năng TP yêu cầu thực hiện phương án phòng chống bão số 5.

Theo đó yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai ứng phó, sơ tán dân đối phó bão số 5 và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư. Tổ chức neo đậu lồng bè, nghiêm cấm người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng phương tiện, trang bị cứu nạn cứu hộ.

Đối với các công trình xây dựng, cần có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo, lưới bao che, hàng rào tôn và cần trục, hạ tháp và cẩu trước khi bão đổ bộ. Khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập nội thành và tuyến kênh thoát lũ xã Hòa Liên, tháo dỡ đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP yêu cầu rà soát mức độ an toàn các công trình thu phát viễn thông, truyền thanh truyền hình, trụ BTS và pano, bảng quảng cáo để gia cố hoặc tháo dỡ. Tổ chức chốt chặn, không cho phương tiện lưu thông trong gió bão, qua vùng ngập lũ.

Lực lượng Bộ đội biên phòng hướng dẫn đưa toàn bộ tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn vào khu tránh bão âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn và thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy khi neo đậu.

Quốc Dũng

Từ khóa: