Xây dựng vùng chè an toàn đạt chuẩn quốc tế

Phần lớn sản lượng chè khô của tỉnh Lào Cai được xuất khẩu nhưng chủ yếu ở mức giá thấp. Để nông dân có thu nhập cao và bền vững hơn thì yêu cầu về xây dựng vùng chè phải an toàn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trước tình hình trên công ty CP Phong Hải Lào Cai đã nhanh chóng có động thái đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản, để thay đổi phương pháp chăm sóc chè.

Vùng chè xã Phú Nhuận hiện có diện tích lên tới 350 ha, là vùng chè mới hình thành khoảng 15 năm nên toàn bộ được trồng bằng chè râm hom. Đây cũng là vùng chè đạt tỉ lệ đồng đều cao, khoảng cách ổn định, không bị mất khoảng. Là vùng chè mới nên nhiều biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hái cũng được nông dân tiếp cận. Nhờ đó, Phú Nhuận trở thành vùng có năng suất chè cao nhất tỉnh.

Xây dựng vùng chè an toàn để nâng cao chất lượng chè
Xây dựng vùng chè an toàn để nâng cao chất lượng chè

Toàn bộ chè búp tươi của tỉnh được 10 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè và khoảng 300 lò chế biến tư nhân thu mua. Năm 2020, dự ước sản phẩm chè chế biến đạt trên 6 nghìn tấn. Chè chế biến dạng thô, xuất khẩu sang các nước Trung Đông  chiếm khoảng 45% với giá xuất khẩu trung bình từ 2,2 - 2,3 usd/1 kg. Chè ô long, chè hữu cơ và các sản phẩm chè xuất khẩu sang Đài Loan chỉ chiếm 6,85% tổng sản lượng, giá xuất khẩu từ 8 - 35 usd/1 kg. Phần còn lại là chè chế biến bán ra thị trường trong nước và nội tỉnh, với giá bán bình quân từ 100 đến 300 nghìn đồng/1 kg. Có thị trường xuất khẩu ổn định cũng là điều kiện để các doanh nghiệp ký hợp đồng lâu dài với nông dân và nâng công suất chế biến.

Anh Lê Văn Mần - nông dân trồng chè thôn Pằng Tao, xã Bản Xen, huyện Mường Khương cho biết: “Được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc chè, về cơ bản nâng cao chất lượng chè, tăng thêm thu nhập cho người dân, sản lượng chè trước khi được dự án chè sạch của tỉnh đầu tư vào thì chè chỉ đạt 6-8 tấn/1ha. Vào năm 2, bắt đầu từ tháng 7 năm 2019, sản lượng chè tăng lên rất nhiều, cao nhất có một số hộ được 8-12 tấn/ha/năm. Bà con bây giờ đã nhận thức được kỹ thuật chăm sóc chè và làm chè sạch an toàn được lợi nhuận có thể nâng cao thu nhập và điểm thu mua chè Phong Hải ổn định”.

Khi hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực, công ty CP Phong Hải Lào Cai cũng nhanh chóng đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản, để thay đổi phương pháp chăm sóc chè. Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng sản lượng chè búp và mở rộng diện tích, để đáp ứng những đơn hàng lớn. Nếu năm 2019 chè chất lượng cao được mua với giá 8 nghìn đồng thì năm 2020 công ty đang mua là giá 10 nghìn đồng/1kg. Khi áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ hoặc quy trình canh tác GLOBALGAP theo chuẩn châu Âu, giá mua chè búp tươi chắc chắn là được nâng lên cao hơn.

Ông Vũ Minh Đức - Giám đốc điều hành công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai
Ông Vũ Minh Đức - Giám đốc điều hành công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai

“Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho các hộ làm chè là tập trung thâm canh, tăng năng suất, để công ty có nguyên liệu đầu vào chất lượng. Phía công ty đã tập trung đầu tư vào dây chuyền công nghệ, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu và đã làm việc với cục sở hữu trí tuệ để đăng ký nhã hiệu độc quyền cho sản phẩm của công ty”. Ông Vũ Minh Đức - Giám đốc điều hành công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ: “Tỉnh nên có chính sách tạo cơ hội cho các bà con làm chè thành lập các hợp tác xã, từ hợp tác xã lại ký các hợp đồng với công ty, làm dịch vụ nông nghiệp cho bà con, hướng dẫn sử dụng thuốc sâu, phân bón, thu hái, vận chuyển, đặc biệt là phải cơ giới hóa. Cả một vùng chè rộng lớn, nếu chỉ chia ra từng nhà một thì không thể cơ giới hóa được. Bây giờ chúng ta phải đưa cơ giới hóa vào, đưa máy vào làm đất, phun thuốc sâu, vận tải...và nếu có điều kiện nơi nào đó có thể đưa máy vào hái được thì chúng ta lại có chương trình tạo tán chè để đưa nâng suất lao động cao lên từ đó thu nhập bà con mới ổn định được.

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn về VIETGAP, GLOGALGAP tiến tới là các sản phẩm cấp quốc gia, là kết quả của sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa bốn nhà là nông dân, khoa học, nhà nước và doanh nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân thay đổi cơ cấu theo chương trình xây dựng nông thôn mới khi mà các địa phương xác định chè là cây làm giàu”.

Hoài An