Đầu tư BKG Việt Nam tiền thân là CTCP Thiết bị DTA, được thành lập năm 2015 với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán lắp đặt máy móc thiết bị công nghiệp. Năm 2016, Công ty quyết định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nội thất.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc niêm yết cổ phiếu BKG của CTCP Đầu tư BKG Việt Nam.
32 triệu cổ phiếu BKG sẽ được niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 31/12 tới đây. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.000 đồng/cp, theo đó định giá 352 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trước thời điểm lên sàn, BKG báo cáo doanh thu 9 tháng đầu đạt 271 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 11 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 14% so với 9 tháng đầu năm 2019.
Tính tới 30/9, Công ty chỉ vay nợ 37,8 tỷ đồng, chiếm có 8,9% tổng nguồn vốn. Như vậy, trước thời điểm lên sàn, tỷ lệ nợ vay của doanh nghiệp tương đối thấp.
Từ vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, vào tháng 6/2017 BKG tăng vốn lên 40 tỷ đồng bằng hình thức tăng vốn là chào bán cho cổ đông hiện hữu và đến tháng 9/2018 tăng vốn lên 320 tỷ đồng bằng hình thức phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đây cũng là số vốn điều lệ hiện tại của Đầu tư BKG Việt Nam.
Tính tới 30/6/2019, cơ cấu cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ của BKG chủ yếu là cổ đông cá nhân.
Trong đó, cổ đông Bùi Thị Hạnh Tâm, sở hữu 17% vốn điều lệ; cổ đông Trần Công Thành (Chủ tịch HĐQT) sở hữu 11% vốn điều lệ; ba cổ đông Lê Quốc Việt, Nguyễn Xuân Hoàn (Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và Nguyễn Minh Hải (Phó Tổng giám đốc) đều sở hữu 5% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Hà My