Cẩn trọng trước những hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tuy không ghi nhận sự cố nghiêm trọng, nhưng vẫn có 129 sự cố tấn công mạng thông thường, giảm gần 28% so với Tết 2020.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trước và trong dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021, Việt Nam ghi nhận 129 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, giảm 28% so với năm ngoài. Trong đó, tấn công lừa đảo chiếm gần một nửa số cuộc tấn công này.

Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma - botnet hiện chỉ khoảng 246.000, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoài. Mạo danh lừa đảo và cài cắm mã độc vẫn là những hình thức phổ biến nhất khi chiếm tới 80% các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thống kê từ Công ty Cổ phần an toàn thông tin Cyradar, chỉ riên dịp Tết Nguyên đán đã xuất hiện hơn 5.600 website giả mạo các ngân hàng, ví điện tử, các tổ chức tài chính. Hình thức chủ yếu là dụ dỗ người dùng tham gia các chương trình khuyến mãi, tặng quà hay lì xì đầu xuân để từ đó chiếm đoạt tài khoản và rút tiền.

Các chuyên gia cho biết, các hình thức lừa đảo - phishing năm nay khá đa dạng, phức tạp và ngày càng chuyên nghiệp khi các nhóm hacker tỏ ra cầu kỳ trong việc giả mạo, thu hút người dùng ham may mắn đầu năm. Trong khi đó, người dùng ngày càng khó khăn trong việc phân biệt các website chính thức và website lừa đảo khi sự khác biệt là cực nhỏ. Do vậy, việc các ngân hàng chuyển đổi số, khách hàng chuyển sang sử dụng các công cụ thông minh như ứng dụng di động ngân hàng số là cần thiết để hạn chế khả năng bị lừa đảo, mạo danh.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), hoạt động an toàn thông tin trong Tết Nguyên đán năm nay vẫn đảm bảo khi không ghi nhận các sự cố nghiêm trọng.

Cẩn trọng trước những hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi - Ảnh 1

 

Trước đó, cũng theo số liệu ghi nhận từ hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trong tháng 12/2020, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố là 315 cuộc, giảm tới 54,48% so với tháng trước, giảm 0,94% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tính trong cả năm 2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận tổng cộng 5.168 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 0,15% so với năm 2019.

Cùng với đó, chiến dịch ra soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020 đã đạt được nhiều thành công đáng kể. Từ khi chiến dịch được triển khai, số lượng địa chỉ IP nằm trong các mạng máy tính ma (IP Botnet) đã giảm mạnh. Đến nay, số lượng IP Botnet đã giảm gần một nửa từ con số 2.014.512 (thời điểm từ 16/6-15/7/2020) xuống còn 1.052.479 (thời điểm hiện tại).

Số liệu thống kê của NCSC cũng cho thấy, chiến dịch nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng, với tổng số hơn 8 triệu lượt tiếp cận chiến dịch. Số lượt máy tính thực hiện rà soát đã lên hơn 1,2 triệu lượt cùng với đó đã phát hiện hơn 400.000 máy nhiễm mã độc.

Qua hơn 8 triệu lượt tiếp cận đến cộng đồng qua cả web và mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức đã tham gia truy cập, rà soát và bóc gỡ miễn phí cho hàng ngàn máy tính của cá nhân, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc/botnet. Bên cạnh đó, số lượt cá nhân, đơn vị liên hệ phản hồi về chiến dịch đã lên tới hơn 23.000 lượt.

Khuyến cáo về vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Trung tâm NCSC cho rằng người sử dụng internet (gồm các tổ chức và cá nhân) cần nâng cao ý thức bảo mật khi sử dụng mạng. Trong đó, với cá nhân, cần nhận thức việc dùng thiết bị có truy cập mạng internet đã là một điểm yếu tiềm năng cho tin tặc lợi dụng nếu không có kiến thức và nhận thức đúng về an ninh mạng. Các tổ chức cần có ý thức bảo vệ tài sản số của mình để tránh những rủi ro, thiệt hại.

Bảo An