PVD ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2020 ở mức 1,464 tỷ đồng, tăng 46% so cùng kỳ. Việc có 2.4 giàn khoan thuê (cùng kỳ không có giàn khoan thuê) là động lực tăng trưởng 46% doanh thu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD).
Ngoài ra, PVD cũng ghi nhận tăng doanh thu va lợi nhuận các dịch vụ liên quan đến khoan (như dịch vụ cung ứng nhân lực, dịch vụ kỹ thuật giếng khoan).
Mặc dù đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 9%, nhưng hiệu suất sử dụng lại thấp hơn (78% so với 90% trong quý 2/2019). Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Công ty phải gia tăng chi phí hoạt động của các giàn khoan liên quan đến hoạt động tại nước ngoài (như chi phí nhận sự, chi phí đổi ca,…).
Cụ thể, cả 4 giàn tự nâng của PVD đều hoạt động tại Malaysia trong Quý 2, giai đoạn quốc gia này áp dụng giãn cách toàn xã hội vào đợt cao điểm (tháng 3-5/2020). Điều này làm tăng chi phí hoạt động của giàn, từ đó khiến biên lợi nhuận gộp giảm 11,3 điểm % và ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng (giảm 44,5% so với cùng kỳ).
Kết quả, PVD báo lãi ròng gần 61 tỷ đồng trong quý 2/2020, giảm 46% lãi ròng so với quý 2 năm trước.
Thông tin từ Fili, lũy kế 6 tháng, Công ty đem về 85 tỷ đồng lãi ròng, tăng 290% so cùng kỳ và vượt 25% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, kế hoạch 2020 được đặt ra thấp hơn nhiều so với thực hiện năm 2019.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, do Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến mảng khoan từ Q2/20, kết quả kinh doanh 6 tháng/2020 vẫn khả quan với doanh thu thuần tăng 64,0% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp tăng 5,3% sv cùng kỳ.
Điều đáng chú ý là PVD đã thu hồi được 3,3tr USD nợ xấu từ PVEP trong nửa đầu năm, giúp công ty hoàn nhập dự phòng 1,4tr USD trong khi đó Q2/19 phải trích lập 3,1tr USD chi phí dự phòng. Điều này giúp lợi nhuận ròng 6 tháng tăng gần 4 lần lên 3,7tr USD. Loại trừ ảnh hưởng từ việc trích lập/hoàn nhập dự phòng, lợi nhuận cốt lõi chỉ đạt 2,4tr USD, giảm 41,6% so với cùng kỳ và đạt 69,9% dự phóng cả năm của VNDIRECT. Kết quả này theo sát dự phóng do VNDIRECT kỳ vọng KQKD nửa cuối năm kém khả quan hơn với hiệu suất sử dụng các giàn tự nâng giảm từ 89% trong 6T20 xuống 63% (so với nửa cuối năm 2019 là 93%).
VNDIRECT kỳ vọng thị trường khoan sẽ hồi phục dần trong 2021 nhờ giá dầu duy trì trên mức 45 USD/thùng (giá hoà vốn của nhiều nhà khai thác). VNDIRECT giữ nguyên dự phóng hiệu suất sử dụng các giàn tự nâng của PVD ở mức 76%-80% trong 2020-2021 và giá cho thuê ngày TB giảm từ 65.000 USD năm 2020 xuống 60.000 USD trong 2021. Giàn khoan TAD kỳ vọng hoạt động trở lại vào tháng 7/2021, phát sinh ít lỗ hơn so với giai đoạn 2017-2019 và đóng góp 6-7tr USD (~18%) vào tổng LN gộp từ năm 2022 trở đi.
Dựa trên tỷ trọng bằng nhau của phương pháp DCF và P/B mục tiêu năm 2020-2022 là 0,4x, VNDIRECT định giá cổ phiếu PVD với giá mục tiêu là 11.700 đồng/cp. Rủi ro tăng giá gồm tốc độ thu hồi nợ xấu tốt hơn dự kiến và nhu cầu khoan phục hồi nhanh. Rủi ro giảm giá là dịch Covid-19 trên toàn cầu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá dầu trong dài hạn.
Rõ ràng các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm vàng đen vẫn đang gặp vô vàn khó khăn. Những nút thắt tưởng chừng sắp được tháo ra thì rủi ro từ làn sóng dịch Covid thứ 2 lại đang nhen nhóm ập tới.
Tạ Thành