Đà phục hồi khả quan của ngành Thủy sản trong “cơn bão Covid-19”

Do ảnh hưởng của “cơn bão Covid-19”, hoạt động xuất khẩu thủy sản tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020 lại có những tín hiệu đáng mừng, khả quan trên đà phục hồi.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến cho sản lượng tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35% đến 50%. Cùng với đó, giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ, nhiều Doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn dẫn đến thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.

Song, nhờ sự chỉ đạo của các cơ quan ban ngành cùng sự nỗ lực, đồng lòng của các Doanh nghiệp, ngành thủy sản những tháng gần đây bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, mang lại những kết quả khả quan. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 7 tiếp tục đà phục hồi sau khi tăng 0,3% trong tháng 6/2020.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường tiềm năng của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này tăng 20,8% so với tháng 7/2019, đạt 184,35 triệu USD. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong thời gian này cũng có dấu hiệu cải thiện khi chỉ giảm 2,3% so với tháng 7/2019, trong khi mức giảm các tháng trước ở mức trên 18%. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản vẫn gặp khó khăn và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trở lại.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong thời gian này cũng có dấu hiệu cải thiện
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong thời gian này cũng có dấu hiệu cải thiện

Theo VASEP, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Song dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26 - 8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Đồng thời, xuất hiện những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu thủy sản khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn. Mặc dù giao dịch thủy sản trên thế giới trì trệ vì vận chuyển bị gián đoạn, nhưng xu hướng giao dịch điện tử, bán lẻ online sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường.

Theo nhiều nghiên cứu, sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu có thể tăng 20% so với trước, khi có lợi thế cạnh tranh hơn các nước bạn. Đơn cử với mặt hàng cá ngừ, thuế suất sẽ về 0%, các đối tác châu Âu sẽ tăng mua cá ngừ Việt Nam thay vì mua từ các thị trường khác có mức thuế suất cao", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký của VASEP cho hay.

Tại thị trường EU, cá tra và tôm Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh về giá nhờ được miễn giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8. Ngoài ra, xuất khẩu tôm cũng sẽ được hưởng lợi tại thị trường Nhật Bản khi Olympic Tokyo được tổ chức vào giữa năm 2021, dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ tôm.

Cá tra và tôm Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh về giá nhờ được miễn giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định EVFTA
Cá tra và tôm Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh về giá nhờ được miễn giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định EVFTA

Có thể thấy, khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu trong trung và dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng (do dân số thế giới tăng) cũng như thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng khi yêu cầu ngày càng cao hơn về an toàn thực phẩm và bền vững môi trường.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ đóng vai trò cốt lõi để giải quyết những thách thức trên (hoạt động đánh bắt thủy sản khó làm được), dựa vào khả năng tăng nhanh sản lượng nhờ cải thiện năng suất nuôi tôm và mở rộng diện tích nuôi cá tra, cũng như khả năng kiểm soát tốt toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo tính bền vững và nguồn gốc thủy sản.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thủy sản Việt Nam hiện đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuado nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19. Để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường./.

Di Linh (t/h)