Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, công ty quyết định không chia cổ tức và dành phần lớn nguồn lợi nhuận chưa phân phối để mua cổ phiếu quỹ với giá trị gần 300 tỷ đồng.
Về kế hoạch năm 2020, Gelex đưa ra 2 kịch bản. Nếu thực hiện hợp nhất Viglacera (HoSE: VGC), Gelex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 975 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Trong trường hợp không hợp nhất, lợi nhuận sẽ giảm 33% còn 735 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức là 10%.
Gelex hiện nay sở hữu gần 25% cổ phần Viglacera sau khi đấu giá thành công một phần lô cổ phần do Bộ Xây dựng thoái vốn đầu năm 2019.
Năm 2020, GEX đặt mục tiêu sẽ hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang được thực hiện, gồm mua và sở hữu chi phối Viglacera và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT; triển khai các dự án năng lượng tái tạo theo kế hoạch được phê duyệt; tiếp tục tối ưu hóa sản xuất, đẩy mạnh phát triển thị trường, gia tăng thị phần các doanh nghiệp.
Theo đó, Công ty sẽ M&A các khu công nghiệp chú trọng thị trường phía Nam, trực tiếp đầu tư vào khu công nghiệp, thuê và tận dụng thương hiệu và con người Viglacera để phát triển dự án. Một số dự án hiện có là dự án tại Tây Ninh với diện tích 100 ha (đang đề xuất để được nâng lên 600 ha), Khu công nghiệp Long Sơn (Vũng Tàu). Cùng đó, Công ty sẽ xây dựng hệ thống nhà kho tại diện tích đất đang dư của Viglacera.
Ngoài Viglacera, Gelex sẽ mua lại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (vốn đã lên kế hoạch từ 2 năm trước) và Công ty Dây đồng Việt Nam CFT - liên doanh của Gelex với Nhật Bản sản xuất dây đồng phi 8 cung cấp cho Cadivi và toàn thị trường. Ông Tuấn cũng cho biết, hai bên đã ký hợp đồng và dự kiến chuyển nhượng trong quý III/2020.
Đối với dự án đường ống nước sạch sông Đà, các thủ tục pháp lý hiện đã được cấp đầy đủ để thực hiện, dự kiến tìm nhà thầu vào tháng 8/2020. Trong lĩnh vực cấp nước, Gelex dự kiến tìm kiếm cơ hội bán nước sạch và xử lý nước thải trong khu công nghiệp.
Đầu tháng 5/2020, HĐQT Gelex có Nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cảng Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Gelex Logistics - công ty mẹ của Sotrans. Không khó hiểu khi thông tin này dẫn tới đồn đoán về việc Gelex bỏ mảng logistics. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là dòng tiền thu về sẽ được Gelex đầu tư vào đâu.
Mảng logistics năm 2019 mang về 1.638 tỷ đồng doanh thu, chiếm 10,7% tổng doanh thu cả tập đoàn. Lợi nhuận gộp đạt 361 tỷ đồng, đóng góp 13,2% vào tổng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận gộp/ doanh thu là 22%, cao hơn đáng kể so với mảng thiết bị điện (15,7%). Các chỉ số này đều tăng trưởng tích cực trong năm 2019.
Dù được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng, song Gelex trong báo cáo gửi ĐHĐCĐ mới đây cho biết sẽ thoái hết vốn khỏi mảng logistics để tập trung nguồn lực vào đầu tư hạ tầng và công nghiệp, mở rộng thêm lĩnh vực phát triển khu công nghiệp.
Trong năm 2020, công ty mẹ Gelex định hướng thành công ty quản lý vốn (holdings) tư nhân chuẩn mực với hai khối kinh doanh chính, là: Sản xuất công nghiệp gồm thiết bị điện và vật liệu xây dựng; và hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Ở khối hạ tầng, Gelex sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với mục tiêu 5 năm tới đạt tổng công suất 500MW. Với nước sạch, tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy nước sông Đà lên 600.000 m3/ngđ. Đáng chú ý, Gelex sẽ đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp thông qua Viglacera hoặc trực tiếp phát triển dự án; chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600ha).
Dù không phải lĩnh vực mũi nhọn, song bất động sản thương mại cũng là một nhánh đáng chú ý trong hệ thống kinh doanh của Gelex. Tập đoàn này đang sở hữu dự án Khách sạn Bình Minh số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội, dự án toà nhà văn phòng số 70-72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1 và dự án 209 Kinh Dương Vương, Quận 6, TP.HCM cùng của Cadivi.
Trong năm 2020, Gelex sẽ tiếp tục hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang được thực hiện, gồm mua và sở hữu chi phối Viglacera và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT.
Huy Đức