Năm 2020 là năm thế giới và Việt Nam đã và đang chịu những tác động tiêu cực đến các hoạt động đời sống, kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngành công nghiệp khí đặc biệt là thị trường khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn và bất ổn; giá LPG biến động lớn, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chiếm dụng, làm giả chai LPG gây mất an toàn cho xã hội và người tiêu dùng vẫn còn tiếp diễn, ... đòi hỏi các Bộ - Ban - Ngành cần có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo hoạt động kinh doanh LPG được phát triển bền vững, ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngành dầu khí là một trong những ngành kinh tế nòng cốt, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia, tham gia có hiệu quả vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Ngành dầu khí cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước để kịp thời đưa ra những định hướng, chính sách và giải pháp để ngày một phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn về thị trường và chính sách phát triển LPG tại Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Thị trường LPG tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây (khoảng 10%) so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh LPG trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm. Giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định,… Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu,…vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các doanh nghiệp coi trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao...
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng - Bộ Công Thương chia sẻ về vấn đề tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh LPD tại Việt Nam. Ông cho biết: Áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày một gia tăng, nền kinh tế thị trường chứng kiến nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta có thể nhận biết những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó là: “gây nhầm lẫn cho khách hàng” bằng cách nhái các nhãn mác ăn theo các thương hiệu nỗi tiếng; “gây rối hoạt động kinh doanh đối thủ cạnh tranh”, tung tin đồn thất thiệt để loại trừ đối thủ; “xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh”…Thị trường kinh doanh LPG tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Qua tìm hiểu thực trạng cạnh tranh trên thị trường kinh doanh LPG tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy tình hình kinh doanh sôi động, cạnh tranh khá khốc liệt. Dán nhãn hiệu chồng lên nhãn hiệu, sử dụng biểu trưng (logo) của thương hiệu uy tín tùy tiện (không được phép) nhằm gây nhầm lẫn để lôi kéo khách hàng bất chính, thu mua vỏ bình của hang khác rồi thay tên đổi họ, gây nhầm lẫn cho khách hàng khi nhận diện sản phẩm…. là những chiêu trò không mới nhưng diễn ra liên tục khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính trong lĩnh vực này điêu đứng, ông cho biết thêm.
Tại Diễn đàn ông cũng đưa ra một số khuyến cáo các doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với các doanh nghiệp lớn đứng đầu là chủ sở hữu, thương hiệu của các bình gas chưa có các biện pháp toàn diện để tiến hành thu hồi các vỏ bình của mình, dẫn đến tình trạng vỏ bình bị mất sang các doanh nghiệp kinh doanh gas trái phép. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gas chân chính cần có những hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho người tiêu dùng về cách thức sử dụng bình gas, các biện pháp khắc phục trong trường hợp sự cố xảy ra, cần thiết lập và có nhân viên thường xuyên trực điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người tiêu dùng khi cần thiết.
Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gas chân chính cần có những hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho người tiêu dùng về cách thức sử dụng bình gas, các biện pháp khắc phục trong trường hợp sự cố xảy ra, cần thiết lập và có nhân viên thường xuyên trực điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người tiêu dùng khi cần thiết…
Các doanh nghiệp lớn đứng đầu thị trường cần nghiêm cứu kĩ các quy định của pháp luật cạnh tranhđặc biệt các quy định của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bởi các quy định này có chế tài xử phạt rất nghiêm khắc có thể lên đến 10% doanh thu trên thị trường liên quan.
Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thảo luận, đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển thị trường khí, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm đang diễn ra, nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh LPG minh bạch, ổn định và phát triển đồng bộ, hiệu quả trong tổng thể hệ thống năng lượng Việt Nam.
PV