Theo thông tin từ Bộ Công thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 giảm 2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,4%.
Trong tháng 6/2020, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,7% so với tháng 5/2020 do kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo giảm 53,8%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 12,5%; hạt tiêu giảm 8,3%.
Tuy nhiên, các mặt hàng khác lại tăng trưởng khả quan như: Thủy sản tăng 5,9% so với tháng 5/2020; rau quả tăng 11,2%; hạt điều tăng 2,6%; cà phê tăng 7,4%; chè tăng 23,7%; cao su tăng tới 44,7%.
So với tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng tăng trưởng cao như: Dầu thô tăng 27,6%, xăng dầu tăng 46,9%, quặng và khoáng sản tăng 102,6%.
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến kim ngạch xuất khẩu dù chưa thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn, với mức tăng 10,5% so với tháng 5/2020, đạt 17,43 tỷ USD, mặc dù vẫn giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Những mặt hàng chính ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng trước gồm: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại tăng 9,2%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,4%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 22%; hàng dệt và may mặc tăng 17,8%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 14,5%; giày dép các loại tăng 10,8%; Túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 8,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,6%; hóa chất tăng 29,3%; sắt thép các loại tăng 14,5%...
Mặc dù tăng khá mạnh trở lại trong hai tháng gần đây nhưng tính chung kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Hoa Kỳ, một số quốc gia ASEAN như Indonesia, Singapore. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch như cách ly xã hội có ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN giảm 14% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu sang thị trường EU giảm 8,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 2,3%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang các thị trường đều có tăng trưởng dương so với tháng 5, qua đó có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà hồi phục với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh.
Hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có tăng trưởng tốt, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; sang Hoa Kỳ đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%.
Huy Đức