Hà Nội triển khai các giải pháp nuôi trồng thủy sản mới

Hà Nội đang đổi mới phương thức và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhằm nhằm tạo sự đột phá trong nuôi trồng thủy sản cả về quy mô lẫn giá trị kinh tế.

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên phong phú với 4.327 ha diện tích mặt nước lớn gồm các hồ tự nhiên, hồ chứa thủy lợi chiếm 14,04% tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS của Thành phố.

Theo kết quả khảo sát hiện toàn Thành phố có khoảng 6.706 ha ao, hồ nhỏ, chiếm 21,74% tổng diện tích có khả năng NTTS. Đây là loại hình nuôi cá truyền thống, có từ lâu đời được hình thành trong các quá trình như: đào đất phục vụ xây dựng, đắp đê, quá trình cải tạo các ao hồ tự nhiên hoặc do các kiến tạo địa chất. Loại hình ao hồ nhỏ chủ yếu được phân bố rải rác, không tập trung ở hầu hết các huyện trong Thành phố.

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản
Tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Tuy có tiềm năng nuôi trồng tự nhiên phong phú nhưng hình thức chuyển đổi chỉ dừng lại ở mô hình trang trại VAC, nuôi cá bán thâm canh, chủ yếu nuôi cá giống, cá truyền thống, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Thức ăn cho cá tận dụng các phụ phẩm tại chỗ, ít sử dụng thức ăn chế biến, khiến năng suất không cao. Các dịch vụ nghề cá chưa phát triển, tập quán nuôi cá thâm canh chưa hình thành, nông dân thiếu kiến thức kỹ thuật, sản phẩm tiêu thụ còn nhỏ lẻ, nên không tạo được sự bứt phá đáng ghi nhận.

Triển khai các giải pháp

Việc sản xuất những năm qua cho thấy, diện tích NTTS trên địa bàn Hà Nội được giám sát, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm chỉ chiếm từ 3 - 5%. Số lượng giống thủy sản mới đưa vào nuôi trồng rất khiêm tốn. Công nghệ chế biến chưa được đầu tư khiến giá trị từ thủy sản nước ngọt còn thấp…

Xác định giống là yếu tố quan trọng trong phát triển thủy sản, TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng 2 cơ sở sản xuất nhân tạo giống cá rô phi, 14 cơ sở sản xuất giống cá truyền thống, 1 cơ sở nuôi ốc nhồi và 4 cơ sở nuôi ếch giống.

Bên cạnh đó, Trung tâm Giống thủy sản phục vụ sản xuất một số giống cá nước ngọt như: trắm cỏ, trôi, rô phi… cũng đang được xúc tiến xây dựng. Để thúc đẩy NTTS trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2016 - 2020.

Triển khai các giải pháp
Triển khai các giải pháp

Thực tế thời gian qua, TP đã đầu tư, triển khai 2 dự án vùng NTTS tập trung tại các huyện Ứng Hòa và Thường Tín; tuy nhiên, vẫn còn 11 dự án khác đang chờ được xem xét. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề xuất TP tăng kinh phí hỗ trợ lần đầu cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào NTTS. Bổ sung thêm vật nuôi có giá trị kinh tế cao như trắm đen, bống, ếch… vào đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích khi áp dụng công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực NTTS, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội định hướng sẽ đẩy mạnh lắp đặt hệ thống cảnh báo môi trường và cho ăn tự động. Phổ biến và nhân rộng việc sử dụng trang thiết bị làm giàu oxy có chế độ bật ngắt tự động. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật gắn chíp, bắn số để quản lý tốt hơn đàn cá bố mẹ…

Ngọc Minh