“Huyền Trà xưa” và hành trình đưa sản phẩm chè truyền thống vươn xa

Với tình yêu quê hương sâu đậm và sự gắn bó đặc biệt với vùng chè, Nghệ nhân văn hóa trà Vũ Thị Thương Huyền đã dành nhiều tâm sức để “hồi sinh” và đưa thương hiệu chè Sông Cầu vươn xa hơn trên thị trường

Nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền – Giám đốc HTX Chè Thịnh An
Nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền – Giám đốc HTX Chè Thịnh An. Ảnh: Thạch Văn.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nông trường chè Sông Cầu là nơi quy tụ cây chè truyền thống thành một vùng nguyên liệu rộng lớn hơn 1.000ha. Người dân cũng trở thành những công nhân nhà máy, chăm sóc và sản xuất chè cho Nhà nước. Ở thời điểm đó, Công ty chè Sông Cầu thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam là một trong những đơn vị quốc doanh lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại xuất khẩu chè sang Nga, Trung Đông, Sri Lanka, Afghanistan…

Vào năm 1971, bố mẹ của chị Vũ Thị Thương Huyền có cơ duyên làm việc tại Nông trường chè Sông Cầu. Đến năm 1974, chị Huyền được sinh ra và lớn lên cùng tình yêu với cây chè, hoạt động sản xuất chè và cả những thăng trầm của vùng chè. Trải qua nhiều lần thay đổi cơ chế, công ty chè dần mất đi vị thế và dẫn tới giải thể nên diện tích chè được giao lại cho các hộ nông trường viên năm xưa. Khi người dân chủ động sản xuất thì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm cách tiêu thụ sản phẩm.

Năm 24 tuổi, chị Huyền được cử đi học ở Học viện Thanh thiếu niên Trung ương. Sau khi hoàn thành việc học, chị trở về giữ nhiều vị trí tại địa phương như Phó Bí thư Đoàn thị trấn Sông Cầu, Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu. Trong 17 năm làm lãnh đạo, chị Huyền luôn chú tâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đồng thời dành nhiều trăn trở cho việc phát triển cây chè của địa phương.

Kể về bước ngoặt thay đổi vùng chè Sông Cầu, chị Vũ Thị Thương Huyền chia sẻ: “Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà lần thứ nhất, khi đó ban tổ chức tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia. Sông Cầu tuy có diện tích lớn nhưng lại không có làng nghề được công nhận. Vì vậy, tôi đã làm việc với Phòng nông nghiệp huyện Đồng Hỷ để tìm cách xây dựng làng nghề. Tôi thấy rằng không thể để bà con sản xuất manh mún rồi đưa từng gói chè đi bán ở chợ cho người buôn ép giá. Điều cần thiết lúc này là Sông Cầu cần phải tạo ra những đầu mối kinh doanh lớn, thu mua được sản phẩm và đưa ra thị trường một cách bài bản.”

Đặc biệt, trên cượng vị là một người lãnh đạo, chị Huyền đã lập kế hoạch đề nghị công nhận làng nghề cho Sông Cầu để giúp nhân dân phát triển thương hiệu chè. Tuy nhiên, do một số vướng mắc với nông trường chè cũ nên chưa thể làm được làng nghề. Cùng lúc đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống chè cũng được xúc tiến và thay thế dần chè trung du giống cũ. Tuy nhiên, chị Huyền vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu, chị cố gắng thuyết phục huyện rằng: nếu bây giờ chúng ta chuyển đổi giống chè mới nhưng lại chưa quan tâm đến đầu ra thì chuyển đổi để làm gì khi giá trị vẫn không đổi. Năm 2011, kế hoạch của chị Huyền đã được chấp thuận và thị trấn Sông Cầu có 2 làng nghề chè truyền thống đầu tiên là xóm 5 và xóm 9. Đến năm 2015, Sông Cầu có thêm làng nghề xóm Liên Cơ và xóm Tân Tiến. Đến việc thành lập HTX để quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Suốt những năm đương chức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu luôn đau đáu về nỗi vất vả của người dân trồng chè, sản phẩm tốt nhưng chưa phát triển được. Chị Huyền nghĩ rằng nếu chưa thể xuất khẩu thì cần phải được giải bài toán nội tiêu đó là: Đưa chè đến đâu? Đưa chè đi như thế nào? Ai là người mang chè đi? Vì thế, từ năm 2014, chị đã đề xuất xây dựng thương hiệu chè Sông Cầu nhưng không thành công. Dù vậy, với một gia đình có truyền thống sản xuất chè và đặc biệt là tâm huyết với nghề làm chè, năm 2016, chị gái của chị Huyền là Vũ Thị Thanh Hảo đã thành lập HTX Chè Thịnh An có 156 hộ sản xuất trên diện tích 50ha.

“Huyền Trà xưa” và hành trình đưa sản phẩm chè truyền thống vươn xa - Ảnh 1
HTX Chè Thịnh An - Thái Nguyên, vùng sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
HTX Chè Thịnh An - Thái Nguyên, vùng sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ngay từ đầu, HTX Chè Thịnh An đã ý thức được việc quảng bá, giới thiệu và làm thương hiệu nên đã mời Cục Sở hữu trí tuệ, Đại học Ngoại thương, Trường Cao đẳng Du lịch… để làm du lịch trải nghiệm cho mọi người được xem việc làm chè. Từ đó, mong muốn tạo ra nguồn thu nhập kép, có sản phẩm chè an toàn để bán và có cả khách du lịch. Người dân thay đổi sang sản xuất các sản phẩm an toàn có giá trị cao hơn.

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên kết hợp với HTX triển khai mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Từ đó, 50ha diện tích chè của bà con trong HTX được thay đổi để trồng chè an toàn theo chuẩn VietGAP, trong đó có 20ha được quy hoạch để trồng chè hữu cơ và được bao tiêu sản phẩm. Người dân còn được hỗ trợ phân bón và thuốc trừ sâu nên vùng chè ngày nâng cao được chất lượng, góp phần tăng giá trị nông sản, trở thành vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất cho HTX Chè Thịnh An.

Nghệ nhân văn hóa trà Vũ Thị Thương Huyền đã dành nhiều tâm sức để “hồi sinh” và đưa thương hiệu chè Sông Cầu vươn xa hơn trên thị trường. Ảnh: Thạch Văn.
Nghệ nhân văn hóa trà Vũ Thị Thương Huyền đã dành nhiều tâm sức để “hồi sinh” và đưa thương hiệu chè Sông Cầu vươn xa hơn trên thị trường. Ảnh: Thạch Văn.
“Huyền Trà xưa” và hành trình đưa sản phẩm chè truyền thống vươn xa - Ảnh 2
Không gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm trà
Không gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm trà HTX Chè Thịnh An tại Triển lãm Nông nghiệp, 48 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Thạch Văn.

Nhờ quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ an toàn, cây chè truyền thống của HTX chè Thịnh An vừa hấp thụ được dinh dưỡng tốt lành của vùng đất trung du miền núi. Kết hợp với bàn tay tâm huyết của những nghệ nhân, sản phẩm chè mang hương thơm tự nhiên hòa quyện, nước trà vàng xanh đẹp mắt, hương vị chát nhẹ, khi uống có hậu ngọt lắng sâu trong vị giác người thưởng thức.

Ngày từ khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức thi sản phẩm OCOP, HTX Chè Thịnh An đã tham gia và đã có nhiều sản phẩm đạt sao OCOP. Đến nay, HTX có 3 sản phẩm OCOP 4 sao là Trà tôm nõn, Trà đặc biệt, Trà trung du thuần chủng, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là Đinh trà thượng hạng và Trà xanh túi lọc đạt. Các sản phẩm không chỉ phục vụ người tiêu dùng, du khách trong nước mà hiện đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Với kinh nghiệm và tâm huyết với nghề làm trà, nghệ nhân văn hóa trà Vũ Thị Thương Huyền và nghệ nhân sản xuất trà Vũ Thị Thanh Hảo đã mang lại cho thị trường trà Việt Nam nhiều sản phẩm cao cấp. Có thể kể đến Trà Đinh, được làm búp chè duy nhất của ngọn chè, chỉ hái vào lúc sáng sớm và được kỳ công chế biến để tạo ra vị ngọt và hương cốm tự nhiên. Ngoài ra còn có Trà Hương Bắc Sơn - mang mùi hương của hoa hoàng lan, Trà Trứng - sử dụng trứng gà và men đặc biệt để tưới vào gốc chè tạo nên vị riêng, Trà Hoa Trà -  thơm hương hoa tự nhiên, chỉ làm được vào mùa hoa trà cuối năm.

Đến nay, sản phẩm chè của HTX Chè Thịnh An đã được đăng ký mã số, mã vạch, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...Cùng với phương châm phục vụ “sự hài lòng của quý khách là thành công của chúng tôi”. Hợp tác xã Chè Thịnh An hy vọng sẽ làm say lòng quý khách thưởng trà, để hương Trà Thái Nguyên ngày càng bay cao bay xa xứng đáng danh hiệu “Thái Nguyên Đệ Nhất Danh Trà”.

THẠCH VĂN - MINH ĐÔNG