Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kết quả kinh doanh của STK tiêu cực do: 1) nhu cầu ngành dệt may sụt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu; 2) giá bán trung bình giảm; và 3) mặc dù công ty giảm hệ số khai thác công suất máy móc nhưng vẫn hạch toán đầy đủ chi phí sản xuất cố định vào giá vốn hàng bán.
Hoạt động kinh doanh đã cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh kể từ cuối quý 3 khi các đơn hàng đã tăng trở lại. Kết quả kinh doanh Q3/2020 với lợi nhuận 20.1 tỷ đồng (+603% qoq), doanh thu đạt 327 tỷ đồng (+30% qoq). Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng mạnh từ 8.3% trong quý 2 lên 12.3% nhờ đẩy mạnh tiêu thụ mảng sợi tái chế với biên lợi nhuận cao hơn sợi nguyên sinh. Cụ thể, trong quý 3, sợi tái chế dẫn dắt sự hồi phục với doanh thu mảng này tăng 53% qoq, và đóng góp 43% trong tổng doanh thu (so với mức 37% của quý 2).
KBSV đưa ra quan điểm đầu tư
Ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi lớn từ các Hiệp định thương mại đặc biệt là CPTPP và EVFTA với mức ưu đãi thuế quan dần về 0%
Các Hiệp định thương mại mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho ngành dệt may. Tuy nhiên mức độ tác động của các Hiệp định tới ngành dệt may phụ thuộc vào nút thắt lớn đó là năng lực cung ứng sợi và vải nội địa nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ như quy tắc “ từ vải trở đi” của Hiệp định EVFTA và “từ sợi trở đi” của Hiệp định CPTPP, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp sợi nội địa gia tăng thị phần do 70% nguyên liệu sản xuất dệt may Việt Nam hiện nay phải nhập khẩu từ nước ngoài trong đó chủ yếu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ - một đối tác lớn của dệt may Việt Nam - có khả năng sẽ quay trở lại tham gia CPTPP để giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc nhất là khi RCEP mới được ký kết.
Lợi ích của EVFTA đến dệt may Việt Nam sẽ thể hiện rõ nét kể từ 2021 khi nhiều loại sản phẩm xuất khẩu chủ lực sẽ được giảm thuế từ mức trung bình 9.6% về 6-9% (1/1/2021) tùy theo từng nhóm hàng. Hiệp định EVFTA không tác động trực tiếp lớn đến STK (sản phẩm sợi giảm thuế xuất 3.2% về 0% kể từ 01/08/2020) do công ty chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu tại chỗ và các nước châu Á nhưng sẽ được hưởng lợi gián tiếp do tăng nhu cầu sản phẩm sợi trong nước sử dụng để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU.
Theo quy định, để được hưởng lợi ích về thuế của EVFTA, vải được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu phải có nguồn gốc từ EU, Việt Nam hoặc Hàn Quốc. EVFTA sẽ giúp Việt Nam giành thị phần xuất khẩu sang EU từ các nước Campuchia và Bangladesh. Trong đó, xét riêng đối với Campuchia, quốc gia này mới đây đã bị EU hủy bỏ một phần ưu đãi thương mại EBA áp dụng trong đó có sản phẩm may mặc kể từ 12/8/2020 do những vấn đề về nhân quyền (26 mặt hàng may mặc, tương đương 19.8% giá trị dệt may xuất khẩu của nước này sang EU, sẽ chịu thuế 6.5%-12% thay vì mức 0% hiện tại).
Tiềm năng hấp dẫn từ thị trường sợi tái chế là động lực phát triển chính của STK
Theo KBSV cho rằng việc chuyển dịch dần cơ cấu sản phẩm từ sợi nguyên sinh sang sợi tái chế và các sản phẩm chất lượng cao là chiến lược đúng đắn của STK nhằm cải thiện biên lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh trong ngành. Sản phẩm sợi tái chế có biên lợi nhuận gộp hơn 20%, cao hơn mức trung bình 12% của sản phẩm sợi nguyên sinh.
Thị trường Sợi tái chế toàn cầu dự kiến đạt 5,960.8 triệu USD vào cuối năm 2026, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6.3% trong giai đoạn 2021-2026 (đạt giá trị 3.868 tỷ USD vào đầu năm 2020), theo The ExpressWire. Thị trường dệt tái chế cũng được dự báo tăng trưởng với CAGR 6.2% trong giai đoạn 2020-2027, đạt 9.365 tỷ USD vào năm 2027 trong đó phân khúc polyester tái chế dẫn đầu thị trường dệt tái chế với thị phần cao nhất. Năm 2019, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất dệt may tái chế toàn cầu và được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, tiếp theo là Bắc Mỹ và Châu Âu.
Nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới đều cam kết nâng tỷ trọng sử dụng sợi tái chế trong các sản phẩm trong đó có các khách hàng của STK như Adidas, Nike, Puma. Trước những lo ngại về môi trường ngày càng gia tăng bởi tác động tiêu cực từ chất thải công nghiệp, các sản phẩm thân thiện môi trường đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Thị trường sợi tái chế là lợi thế của STK với rào cản chuyển đổi cao STK hiện sử dụng công nghệ sản xuất sợi tổng hợp Chips spinning có thể chuyển đổi dễ dàng giữa các sản phẩm sợi nguyên sinh và sợi tái chế với nhau.
Trong khi đó, 2 nhà sản xuất lớn khác tại Việt Nam là Hualon, Billion và các doanh nghiệp của Trung Quốc (Trung Quốc sản xuất sợi chiếm khoảng 70% nhu cầu thế giới) chủ yếu sử dụng công nghệ Direct spinning khó có thể chuyển đổi sang sản xuất sợi tái chế. Chứng chỉ GRS 3.0 về sản xuất tái chế là một chứng chỉ rất quan trọng trọng khi một công ty muốn sản xuất sợi tái chế trong đó quy định nhiều điều khoản về chứng nhận xuất xứ, quy chuẩn về tái chế mà STK mất hơn 02 năm để đạt được.
Hiện nay STK là một trong hai doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sợi tái chế (cạnh tranh trực tiếp với Formosa) và là doanh nghiệp duy nhất niêm yết trên TTCK Việt Nam, với phân khúc sản phẩm chất lượng cao. Trong đó, ưu thế của STK là giá vốn và giá thành còn Formosa là tập đoàn lớn, tài chính mạnh và đội ngũ chuyên gia tốt. STK còn là đối tác nước ngoài duy nhất của Unifi nhận nhượng quyền thương hiệu REPREVE® - một trong thương hiệu về sản phẩm tái chế hàng đầu thế giới.
Kỳ vọng vào kết quả từ vụ điều tra chống bán phá giá sợi dài polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia
Ngày 06 tháng 4 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BCT điều tra chống bán phá giá đối với sợi dài làm từ polyester thuộc các mãHS: 5402.33.00, 5402.46.00, 5402.47.00 có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Cạnh tranh lớn từ sợi PFY nhập khẩu đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả STK đặc biệt khi Trung Quốc bán phá giá sản phẩm sợi do Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm dệt may. Tình trạng dư cung ngành sợi tại Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam làm gia tăng cạnh tranh với STK. Theo hồ sơ đề nghị khởi kiện, biên độ bán phá giá của các công ty Trung Quốc từ 17% - 47.6%. Do đó, một khi thuế chống bán phá giá được áp dụng, STK có thể sẽ giành lại thị phần và cải thiện sản lượng tiêu thụ.
Theo KBSV kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ sớm công bố về biên độ bán phá giá vào cuối năm 2020 để xác định mức thuế CBPG áp dụng. Theo quy định, cuộc điều tra sẽ kết thúc trước tháng 4/2021 và sẽ không kéo dài quá 18 tháng kể từ khi bắt đầu trong bất cứ trường hợp nào. Do đó, kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra muộn nhất trước tháng 10/2021. Tuy nhiên, các biện pháp chống bán phá giá có thể được tạm thời áp dụng trong thời gian tới.
Hồi phục nhu cầu tiêu thụ ngành dệt may hậu Covid-19
KBSV kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại. Kết quả nghiên cứu vắc xin COVID-19 giai đoạn 3 của Pfizer và BioNTech có hiệu quả hơn 90% và Moderna đạt hiệu quả gần 95% trong một thử nghiệm giai đoạn cuối đem lại hi vọng lớn cho thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Dệt may được nhận định sẽ là ngành có sự hồi phục mạnh hậu Covid-19 do đã bị ảnh hưởng lớn khi dịch bệnh bùng phát nhờ nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại.
KBSV Khuyến nghị đầu tư
KBSV khuyến nghị MUA với mã cổ phiếu STK, doanh nghiệp sợi dài polyester niêm yết lớn nhất tại Việt Nam nhờ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, tiềm năng tăng trưởng nhu cầu sợi tái chế, kỳ vọng vụ điều tra chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài sớm có kết quả, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ ngành dệt may hậu Covid-19 hồi phục.
Giá mục tiêu 23,800VND/CP cho triển vọng 12 tháng, áp dụng theo phương pháp định giá với tỷ lệ 50/50 là so sánh P/E và chiết khấu dòng tiền FCFF.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành