Gói cứu trợ được dự kiến triển khai trong vòng 6 tháng, từ tháng 10/2020 tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, thông qua các đối tác chính phủ và phi chính phủ địa phương.
Các tổ chức phi chính phủ cùng đối tác chính quyền địa phương chia sẻ về kế hoạch triển khai dự án hỗ trợ người dân sau chuỗi thiên tai liên tiếp, bao gồm hoạt động cứu trợ khẩn cấp, cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, tiền mặt; phục hồi sinh kế thông qua phát triển mô hình chăn nuôi, cung cấp hạt giống vv. Thêm vào đó, công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp tâm lý cũng được đặc biệt quan tâm. Cụ thể, dự án hỗ trợ thiết lập điểm vui chơi an toàn cho trẻ em trong trường học và các hoạt động vui chơi giải trí nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các em sau thiên tai.
“Trong thảm họa thiên tai, trẻ em, phụ nữ là những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, do vậy, tổ chức Plan đặt ưu tiên trong các nguồn lực huy động, tập trung vào hỗ trợ cho trẻ em trở lại trường học, giúp các em vượt qua khủng hoảng tâm lý sau thiên tai và gia đình các em có cơ hội phục hồi sinh kế để đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện.Với sự hỗ trợ ngân sách từ Liên minh cứu trợ Hà Lan, tổ chức Plan cùng với các đối tác có thể củng cố các cam kết của tổ chức tại 25 xã trên 4 huyện tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị” – Bà Phạm Thu Ba- Quản lý chương trình cứu trợ sau thiên tai của tổ chức Plan International chia sẻ.
Liên minh các tổ chức đã cùng thống nhất cơ chế hoạt động để cùng nhau thực hiện dự án hiệu quả. Trong đó, tổ chức Plan International sẽ phụ trách điều phối hoạt động chung. Các đối tác cùng nhau lên kế hoạch cho cuộc họp giữa kỳ, đánh giá và đo lường kết quả dự án.
“Chính phủ Hà Lan đã và đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ để thúc đẩy các mảng dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, cũng như ứng phó với rủi ro thiên tai. Thông qua hoạt động cứu trợ lần này, ngoài cứu trợ khẩn cấp, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp lâu dài hơn để hỗ trợ chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền địa phương, giúp cộng đồng sớm phục hồi sau thiên tai. Đồng thời, chúng tôi mong muốn lần hợp tác này có thể giúp tăng cường vị thế của các tổ chức xã hội trong việc đồng hành với chính phủ trong các lĩnh vực phát triển.” – Ông Laurent Umans, Bí thư Thứ nhất – Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan chia sẻ.
Liên minh cứu trợ Hà Lan
Liên minh Cứu trợ Hà Lan là một liên minh gồm 16 tổ chức viện trợ Hà Lan hợp tác với Bộ Ngoại giao Hà Lan (MoFA). Cấu trúc của liên minh cho phép các tổ chức phi chính phủ tham gia ứng phó với các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu một cách kịp thời và hiệu quả.
Số lượng thảm họa và thiên tai gia tăng trên khắp thế giới đã đặt ra gánh nặng ngày càng lớn cho các tổ chức viện trợ quốc tế. Sự gia tăng toàn cầu về số lượng các cuộc xung đột vũ trang, và mức độ phức tạp ngày càng sâu sắc của các cuộc xung đột này cũng làm tăng thêm sự căng thẳng nghiêm trọng đối với hệ thống nhân đạo hiện có.
Liên minh Cứu trợ Hà Lan được thành lập để đối phó với những thách thức này. Việc phối hợp, gia tăng tính hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ giúp các tổ chức có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các thành viên trong liên minh hợp tác trong các hoạt động can thiệp nhân đạo sẽ mang lại tác động lớn hơn các thành viên hoạt động độc lập.
Tổ chức Plan International
Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển tập trung vào trẻ em, đặc biệt là quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Plan International đã có hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên toàn thế giới.
Plan International bắt đầu làm việc tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ năm 1993. Sứ mệnh của Plan International là hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh và cả thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai của chính bản thân. Chúng tôi tin tưởng rằng trẻ em gái có khả năng thay đổi thế giới. Vì vậy tham vọng của Plan International là đồng hành cùng các em đảm bảo 2 triệu trẻ em gái trên đất nước Việt Nam đến năm 2022 được học tập, lãnh đạo, ra quyết định và phát triển.
Tổ chức Care International
Sau khi trở lại Việt Nam kể từ năm 1989, CARE đã làm việc với rất nhiều đối tác ở hầu hết 64 tỉnh, thành của Việt Nam, thực hiện hơn 200 dự án trong nhiều lĩnh vực như phát triển nông thôn. Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục các hoạt động cứu trợ khẩn cấp khi cần thiết, CARE tại Việt Nam cam kết tập trung các nguồn lực nhằm đạt được những thay đổi tích cực và lâu dài cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ thông qua giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo và bất công xã hội.
Tổ chức Oxfam
Oxfam là một tổ chức phát triển trên toàn thế giới huy động sức mạnh và tiếng nói của người dân chống lại đói nghèo, bất bình đẳng và bất công.
Oxfam là một khối liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức Oxfam khác nhau hoạt động trên hơn 90 quốc gia.
Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO) hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển xã hội dân sự và tăng cường năng lực cho cộng đồng dân tộc thiểu số và phụ nữ. Oxfam có mặt tại Việt Nam từ năm 1955 với các hoạt động cung cấp hỗ trợ nhân đạo. Kể từ cuối những năm 1980, chúng tôi đã thực hiện các dự án phát triển trên khắp Việt Nam với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, tuy nhiên nhu cầu của nhóm người nghèo và thiệt thòi nhất trong xã hội vẫn còn cao. Vì vậy, chiến lược quốc gia của Oxfam tại Việt Nam đã chuyển đổi để phù hợp nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng.
Chiến lược của Oxfam tại Việt Nam (2015 – 2019) tập trung vào các chương trình lớn:
- Quản trị tốt
- Quyền của Phụ nữ và Bình đẳng giới
- Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và cứu trợ nhân đạo
- Lương thực bền vững và quản lý tài nguyên thiên
Xuyên suốt bốn chương trình trên, Oxfam khuyến khích tinh thần công dân tích cực thông qua các mạng lưới xã hội. Những hoạt động này bao gồm việc nâng cao nhận thức về vai trò công dân cho thanh niên, khuyến khích họ đóng góp cho một xã hội hòa nhập và bền vững; cho những nhóm phụ nữ được tổ chức để thúc đẩy giảm bất bình đẳng giới; cho nhóm lao động di cư và phi chính thức để họ có năng lực và sự tự tin lên tiếng trong việc thực hiện các quyền của mình; cho nhóm người đồng tính, song tính, chuyển giới vận động cho luật bảo vệ họ khỏi phân biệt đối xử và bạo lực; và thúc đẩy khả năng của các nhóm dân tộc thiểu số trong việc thảo luận các vấn đề quan tâm và tìm ra các giải pháp cho các vấn đề đó.
Tổ chức World Vision International
Tổ chức Tầm nhìn thế giới (WVI) là tổ chức phi chính phủ bắt đầu thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp ở Việt Nam từ năm 1988 và mở văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1990.
Kể từ năm 1990, WVI đã hợp tác cùng Chính phủ, người dân Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác triển khai nhiều hoạt động cứu trợ, hỗ trợ phát triển và vận động chính sách. Đến nay, WVI đã triển khai các chương trình, dự án trên 15 tỉnh, thành phố khắp cả nước với tổng vốn viện trợ lên đến 20 triệu USD/năm.
Là tổ chức hoạt động vì trẻ em, WVI Việt Nam tập trung chủ yếu vào thực hiện các hoạt động vì an sinh của trẻ em, trọng tâm vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, sự tham gia của trẻ và bảo vệ trẻ em. Hàng năm, khoảng 3 triệu trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình của WVI tại Việt Nam.
Hoàng Nhung