Kiểm toán Nhà nước: Nhiều ngân hàng vượt trần tín dụng

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước điểm tên một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Trong đó, Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank) vượt trần 13.656 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank) vượt trần 13.656 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank) vượt trần 13.656 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội khóa XIV về công tác kiểm toán Nhà nước năm 2020. Trong đó quá trình kiểm toán về hoạt động ngân hàng, mua bán nợ, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng nhà nước.

Một số tên được nhắc đến như ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank) là 13.656 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) là 3.153 tỷ đồng, ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc) 132 tỷ đồng, ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh 192 tỷ đồng, ngân hàng Busan - chi nhánh Hồ Chí Minh là 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga là 69 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tồn tại trong hoạt động cơ cấu các ngân hàng 0 đồng. Trong đó, đến tháng 9/2020 vẫn chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt đối với 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc mặc dù tình hình tài chính của các ngân hàng này ngày càng khó khăn, lỗ lũy kế tiếp tục tăng. 

Về hoạt động mua bán nợ, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn hạn chế. 

Đến 31/12/2019, tổng số nợ xấu mua bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt (hay mua nợ theo giá thị trường) là 3.599 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,25% tổng số nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 110.694 tỷ đồng.

Lâu nay Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp để “ghìm cương” tăng trưởng tín dụng bằng phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Đặc biệt, ngân hàng nào đạt chuẩn Basel II sẽ được Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, với những ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sẽ bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải để không gây rủi ro thanh khoản.

Dẫu vậy, trong quá trình hoạt động Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nâng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu đáp ứng được một số điều kiện như đảm bảo được "sức khỏe" tài chính, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…

Tạ Thành