Kỷ niệm Ngày Dân vận của Đảng (15/10): Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân

Câu nói ấy như lời nhắc nhở của tiền nhân cho các thế hệ tiếp nối hiểu thấu bài học lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, kể từ khi có Đảng, công tác dân vận được đặt ở vị trí quan trọng, có tầm chiến lược trong hoạt động của hệ thống chính trị. Trải qua muôn vàn khó khăn của mỗi chặng đường lịch sử, nhất là khi Đảng mới ra đời. Phải đối mặt với muôn vàn thiếu thốn, nhất là tiềm lực vật chất, tiến hành các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Kỷ niệm Ngày Dân vận của Đảng (15/10): Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân - Ảnh 1

Thủa ban đầu, khi chưa giành chính quyền, chưa có nhà nước, đất nước chưa có quân đội, chưa có lực lượng quân sự, vũ trang, chưa có vũ khí đủ uy lực đối địch với kẻ thù.

Nhớ lại sự kiện Đảng thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam bây giờ. Tuyên truyền, đấu tranh chính trị, dựa vào sức mạnh đoàn kết toàn dân, vũ khí tinh thần đi cùng với gậy gộc, cuốc thuổng, giáo mác, tù và, trống mõ... để làm nên “ tiếng trống năm ba mươi còn lay động đến bây giờ”.

Công tác dân vận có nội dung chính là sử dụng nhiều hình thức đan xen để tuyên truyền, vận động, giải thích đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tập hợp lực lượng các giai tầng xã hội đoàn kết xung quanh Đảng, tiến hành các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Mỗi giai đoạn lịch sử, công tác dân vận có nhiệm vụ cụ thể, mục tiêu trước mắt và dài lâu.

Khi đất nước chưa có hòa bình, công tác dân vận tập trung cho nhiệm vụ kháng chiến. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, hoạt động dân vận tập trung tuyên truyền, huy động sức mạnh nhân dân để tái thiết, dựng xây đất nước trên đống tro tàn, hậu quả của chiến tranh, “chung lưng đấu cật” đem sức ta mà xây dựng cho ta. Từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “binh địch vận, nông vận, binh vận ra đời” nó thể hiện nền nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo được dựng xây trên nền của thế trận chiến tranh nhân dân. Quân đội nhân dân, công an nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, tòa án nhân dân, hiệu sách nhân dân...tên gọi thật thân quen mà hàm chứa triết lý sâu sắc, như công tác dân vận. Cha ông ta đã để lại di sản quân sự quý giá: nghệ thuật công tâm- thu phục nhân tâm (đánh vào lòng người); lấy nhân nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo. Dựa vào dân, khai thác triệt sức mạnh nhân dân, đất nước ta từng bước thoát nghèo, đứng vào tốp nước đang phát triển, toàn dân được thụ hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ban Dân vận Trung ương là một trong các Ban của Đảng. Đảng luôn xác định công tác dân vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó được hiểu đó là công việc của Đảng nhưng phải luôn có sự phối hợp, đồng hành của tất cả ban của Đảng: tuyên giáo, tổ chức, nội chính, kinh tế...Việc gì được nhân dân ủng hộ nhất định thành công. Chân lý và bí kíp ấy được Bác Hồ truyền dạy chính là bài học lịch sử còn nguyên giá trị, được vận dụng sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh của mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể.

Thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước trong nhiều thập kỷ cho thấy, công tác dân vận gặp nhiều thuận lợi căn bản: nhân dân ta luôn giữ được truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, một lòng theo Đảng. Mỗi khi đất nước gặp thách thức có tính lịch sử, tinh thần ấy, phẩm chất ấy lại bộc lộ và phát huy mạnh mẽ. Nhờ đó, cả dân tộc đã đẩy lui mọi trở lực hữu hình và vô hình cản ngăn quá trình dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc, chế độ. Hơn 2 năm chống đại dịch covid- 19 là thực tiễn minh chứng nhận xét này.

Kỷ niệm Ngày Dân vận của Đảng (15/10): Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân - Ảnh 2

Những thập niên đầu của thế kỷ 21, những hạn chế, yếu kém, sai lầm khuyết điểm, tiêu cực đã bộc lộ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, người có chức quyền, đảm trách vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Đều ấy tác động không nhỏ đến tư tưởng, nhận thức và niềm tin của nhân dân vào những cán bộ thoái hóa, biến chất. Lòng tin của nhân dân với Đảng đang bị thách thức.

Công tác dân vận đang đứng trước câu hỏi: làm thế nào để lấy lại niềm tin, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Câu hỏi dã và đang được trả lời bằng hành động thực tế, việc làm cụ thể. Trong công tác xây dựng Đảng, lấy CHỐNG để XÂY thông qua cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai đồng bộ, quyết liệt, kiên định nguyên tắc “ không có vùng cấm” . Những khuyết điểm, yếu kém của các bộ, ban ngành, chính phủ cũng được chỉ ra thường xuyên để khắc phục sớm, kịp thời; kiểm điểm và báo cáo công khai trong mỗi kỳ họp quốc hội, nhất là thông qua phiên chất vấn các thành viên chính phủ. Quốc hội đã ngày càng hoàn thiện năng lực giám sát, kiểm tra việc thực hiện lời hứa của “tư lệnh” các bộ, lãnh đạo chính phủ. Xét cho cùng, đó cũng là giám sát của cử tri thông qua những đại biểu dân cử.

Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức tác phong Hồ Chí Minh” chính là công tác XÂY- lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tích cực đẩy lui tiêu cực. Thông qua tuyên truyền những hoạt động cụ thể , công tác dân vận có hiệu quả hơn. Mục tiêu “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thường bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Công tác dân vận phải hướng tới mục tiêu ấy.

Thực tiễn là thước đo chân lý. Khi dân tin, họ nói và làm theo. Xây dựng niềm tin là công việc của hoạt động dân vận. Thật không dễ dàng bởi công tác dân vận luôn xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, không chỉ là lý luận, lý thuyết suông, lời nói khéo mà biết thuyết phục người dân bằng thực tiễn. Có thực mới vực được đạo, trăm nghe không bằng một thấy; một hành động cụ thể nêu gương bằng hàng trăm bài diễn thuyết là thế! Kinh nghiệm và chân lý ấy đang được Đảng cụ thể hóa bằng văn bản có tính luật hóa hoàn chỉnh.

Công tác dân vận mang tính xã hội cao, bởi nó vừa bao quát rộng, tầm chiến lược nhưng lại được hình thành từ thực tế cuộc sống gồm những hoạt động cụ thể của đời sống hàng ngày. Đã từng có cuộc thi “ dân vận khéo, dân vận giỏi” để tìm ra người tài trong lĩnh vực dân vận. Họ là người “ miệng nói, tay làm, tai lắng nghe; sát dân, được quần chúng tin cậy bởi họ luôn là tấm gương đi trước mở đường, dẫn dắt, chỉ hướng, thậm chí “ làm mẫu” cho mọi người làm theo. “ Vác tù và hàng tổng” thường để chỉ những người luôn chỉ biết hy sinh bản thân để tận hiến cho dân, cho nước bằng công việc không màng danh vọng, lợi lộc.

Việc họ làm rất bình dị, lặng thầm không “đao to búa lớn” nhưng giá trị, hiệu quả đôi khi không gì sánh được: bác tổ trưởng dân phố, người phụ trách công tác mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, nhân viên, cán bộ xã phường, ấp xóm, hội cựu chiến binh, người cao tuổi, nhân viên gác chắn tầu, đội tự quản giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông... đều hàm chứa tinh thần tự nguyện để cống hiến xã hội, lặng thầm dựng xây đất nước phồn vinh, hiện đại...

Không ít người đã quen thuộc với cụm từ công tác dân vận. Hiểu một cách nôm na, dân dã, công tác dân vận là vận động tuyên truyền nhân dân, cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chiến lược và cụ thể của đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ban Dân vận của Đảng đưa ra định hướng, mục tiêu chiến lược; theo đó, các ban dân vận trong hệ thống đảng ở địa phương triển khai theo kế hoạch cụ thể, phù hợp với yêu cầu xây dựng kinh tế, xã hội địa phương mình bằng việc phối kết hợp, huy động sức mạnh của các tổ chức chính trị, xã hội như mặt trận Tổ quốc các cấp, đoàn thanh niên, công đoàn, liên hiệp các hội, hội phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, Hội người VN ở nước ngoài, đội ngũ trí thức...

Ngày nay, công tác dân vận đã được “ xã hội hóa” mạnh mẽ nhằm huy động cao nhất nội lực trong dân, sức mạnh cộng đồng trong và ngoài nước; công cụ của công tác dân vận không chỉ là tuyên truyền miệng, mà còn là khai thác triệt để hệ thống truyền thông hiện đại, sử dụng mặt tích cực của mạng xã hội, khai thác thế mạnh của công nghệ số; kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, nói và làm, lấy hành động nêu gương dẫn dắt. Thu phục nhân tâm bằng lời nói, việc làm chân thành; thay đổi phương pháp tư duy, tiếp cận vấn đề cấp thiết của thời cuộc, đời sống đương đại. Công tác dân vận đừng quên khắc ghi lời tổng kết: “ Dễ trăm lần không dan cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Chở thuyền và lật thuyền cũng ở nơi dân”.

VĂN HÙNG