Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5): Phát triển thị trường lao động - việc làm 

Câu chuyện về người lao động đang nóng lên từng ngày, luôn mang ý nghĩa thực tế, thiết thực nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Bài toán ấy rất cần lời giải để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.

Việt Nam là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào. Năm 2024 dân số nước ta đã trên 100 triệu, được coi là đất nước đang ở vào giai đoạn dân số vàng. Nhưng rồi giờ đây lại đang gặp nhiều thách thức, mâu thuẫn mới như già hóa dân số, tỷ lệ sinh chững lại và thụt lùi so với mục tiêu sinh, thiếu việc làm, thiếu nguồn lao động… Những vấn đề này không phải là chuyện của riêng quốc gia nào mà nó đang là câu chuyện khá phổ biến ở không ít quốc gia được xếp loại nước có nền  kinh tế tốp đầu thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, một số nước châu Âu mỗi quốc gia đều có “ nỗi khổ” riêng, nước thì bị già hóa dân số, tỷ lệ sinh nở thấp, thiếu hụt nguồn lao động, nước thì khủng hoảng nhân lực ngành y…

Kéo dài tuổi lao động, thu hút lao động nước ngoài, khuyến khích sinh nở bằng chế độ thưởng cao…đang được áp dụng triệt để mạnh mẽ. Song, không phải lúc nào cách làm ấy cũng hiệu quả. Một số nước châu Á vốn thu hút mạnh nguồn lao động nay đồng tiền mất giá so với đồng USD nên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5): Phát triển thị trường lao động - việc làm  - Ảnh 1

Ở nước ta, tuổi nghỉ hưu của người lao động đang tiến dần: nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi. Tuy vậy, lao động phổ thông ở độ tuổi 40-50 mất việc làm do doanh nghiệp giải thể, cắt giảm nhân sự đang gây nhiều hệ lụy. Đại diện Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải ngăn chặn việc doanh nghiệp tự ý cắt giảm lao động lớn tuổi không thông qua người lao động, công đoàn. Một công nhân may tâm sự: “Không thể xin vào công ty để có hợp đồng lao động nên đành phải làm ở xưởng nhỏ. Thôi thì làm đến đâu hay đến đó, họ đuổi lúc nào đâu biết được. Chỉ mong sắp tới xưởng vẫn có nhiều đơn hàng để tôi lo được đến lúc con học xong”. Đã xuất hiện nhiều hơn tình trạng người ở tuổi 50 mất việc làm. Những người nghỉ hưu vẫn phải bươn trải kiếm thêm lo trang trải cuộc sống gia đình trở thành chuyện phổ biến vì đông lương hưu không đáp ứng cuộc sống.

Có ý kiến đề nghị chính sách bảo hiểm xã hội nên hạ tuổi nghỉ hưu cho người lao động. Tuổi 50 mà doanh nghiệp đã tìm cách sa thải trong khi thị trường lao động hiện nay thật khó xin lại việc làm vì không ai nhận nên đành phải rút bảo hiểm xã hội một lần về trang trải cuộc sống. Chưa tới tuổi hưu người lao động bị cắt giảm, mất việc vì nhiều lý do là câu chuyện được bạn đọc rất quan tâm. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Không những thế, 30 -35 tuổi đã phải “hưu non” nữa là, kể cả người tài giỏi có trình độ từng làm quản lý ở doanh nghiệp FDI cũng phải chấp nhận cuộc chơi này. Nhà nước cần có chính sách để giảm áp lực cho người lao động như chính sách an sinh, giảm tỷ lệ mất việc.

Nguyên nhân không chỉ là hệ lụy kéo dài của đại dịch covid-19 dẫn đến thực tế trên. Kinh tế thế giới, xung đột quân sự, chiến tranh cục bộ ở một số quốc gia có địa chính trị quan trọng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng liên kết kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp mất đơn hàng, làm ăn kém hiệu quả, quá trình chuyển đổi công nghệ, số hóa, tự động hóa, công nghệ AI, trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh, là xu thế tất yếu của kinh tế thế giới. Máy móc công nghệ dần thay thế sức lao động con người ở nhiều khâu, công đoạn nhằm tạo ra sản phẩm nhiều hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn, thậm chí máy móc, trí tuệ nhân tạo tham gia dịch vụ phục vụ con người, tự động hóa quá trình sản xuất, giúp con người quản trị xã hội: trí tuệ nhân tạo, robot, người máy, máy bay không người lái...

Ở Việt Nam, khối doanh nghiệp thu hút nguồn lao động lớn là khu vực công nghiệp (trong đó có ngành giày da, may mặc); xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; hạ tầng giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế, giáo dục, dịch vụ…Có những mâu thuẫn kéo dài về nhân lực lao động như giáo dục, hoặc có doanh nghiệp may mắn có được đơn hàng nhiều, cần tuyển hàng nghìn lao động trong thời gian gấp lại gặp không ít khó khăn. Người tìm việc, việc tìm người đang gặp những mâu thuẫn lớn, nhỏ, lặp đi lặp lại.

Hàng năm, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều tổ chức Tháng công nhân với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn cuộc sống đời thường; động viên họ không chỉ đời sống vật chất mà còn tạo sân chơi tinh thần bổ ích, lành mạnh như thể thao, văn hóa văn nghệ; giúp hàng nghìn đôi lứa tổ chức thành hôn (đám cưới) tập thể; xây dựng nhà tình nghĩa cho người lao động nghèo, hỗ trợ con em công nhân hoàn cảnh khó khăn vượt khó, học tập tốt.

Tuy vậy, những hoạt động trên không thể là cứu cánh cho người lao động thoát khỏi thất nghiệp, mất việc làm hay cải thiện cơ bản cuộc sống của họ. Hình thành thị trường lao động phù hợp đối tượng lao động, đào tạo bài bản để người lao động đủ kỹ năng trình độ, năng lực chuyên môn; xây dựng hệ thống chính sách sát thực cho người lao động giúp họ đáp ứng yêu cầu của nơi cần tuyển dụng lao động. Thừa thầy thiếu thợ, mức lương thấp, môi trường lao động chưa đảm bảo an toàn, sức khỏe; người sử dụng lao động còn vi phạm luật lao động...đều là bất cập cần được quan tâm xử lý. Vụ việc mất an toàn lao động trong nhà máy nghiền đá ở Yên Bái, công ty khai thác mỏ than ở Quảng Ninh gần đây là ví dụ điển hình.

Sự dịch chuyển lao động trong xã hội ngày càng rõ nét. Người có học vấn, trình độ, có tay nghề cao chưa hẳn dễ tìm được việc làm như mong muốn. Tuy không quá phổ biến nhưng đã từng có bạn trẻ tu nghiệp ở nước ngoài về nước với bằng ưu phải chọn việc làm không như mong muốn: lao động chân tay, thủ công, dịch vụ, trái nghề: nhà hàng, quán bar, ship hàng, bán hàng trực tuyến, dạy học online…Nghịch lý, người được đào tạo bài bài, tốn kém tiền của gia đình lại nhọc nhằn kiếm sống. Người ít học lại kiếm được không ít tiền nhờ công việc dịch vụ.

Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng đó là sự chuyển dịch của thị trường lao động và thực trạng nền kinh tế - xã hội đất nước. Nó phản ánh phần nào sự mất cân đối, lãng phí nguồn lực của thị trường lao động. Để giải bài toán có ý nghĩa lâu dài này cần sự nghiên cứu chuyên sâu về thị trường lao động, định hướng đào tạo phù hợp với cung cầu lao động. Bài học của nhiều quốc gia thế giới có hoàn cảnh tương đồng sẽ giúp chúng ta rút ngắn quá trình khắc phục hạn chế trong quản trị xã hội, phát triển kinh tế. Tình hình kinh tế thế giới đang là tác nhân quan trọng làm xáo trộn tiêu cực thị trường lao động. Để chủ động, không bị bất ngờ, lúng túng cần xây dựng kịch bản khác nhau ( giống như biến đổi khí hậu) để ứng xử phù hợp với thực tế việc làm cho người lao động mang tính quốc gia và toàn cầu. Liên kết hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, xây dựng thị trường lao động mở, lành mạnh, giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực cùng chia sẻ thông tin nhân lực, việc làm cũng là giải pháp căn cơ chiến lược. Các bộ, ngành liên quan cần tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết nối người lao động và việc làm, tạo đầu ra cho lao động trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu lao động.

Nước ta không thể chỉ là công xưởng gia công, lắp ráp, làm thuê, làm dịch vụ với giá thấp một cách bị động cho các nước khác mà phải phấn đấu để mình làm chủ thị trường lao động.Tiếp tục tìm cách hóa giải những mâu thuẫn như thừa nhân lực ở những khu vực lao động thủ công, tạp vụ và thiếu nhân lực ở những ngành nghề chuyên sâu đòi hỏi cao về tri thức, sức khỏe, kén người: y khoa, hàng không, thể thao đỉnh cao, trí tuệ nhân tạo, năng lượng nguyên tử, lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao, tinh túy…Trước khi nghĩ đến chuyện “soán ngôi”, “thay vai”  đòi hỏi năng lực thiết kế, quy hoạch lại thị trường lao động cho người Việt ở trong nước và ngoài nước phong phú, đa dạng, hợp lý hơn nhất là khi chúng ta phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực vì tỷ lệ sinh giảm.

Câu chuyện về người lao động đang nóng lên từng ngày, luôn mang ý nghĩa thực tế, thiết thực nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Bài toán ấy rất cần lời giải để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.

VĂN HÙNG