Chiều 6/6, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Số cổ đông tham dự đại điện cho 66% lượng cp có quyền biểu quyết đang lưu hành, cuộc họp đủ điều kiện tiến hành.
Tại buổi lễ, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho rằng tổng cầu trong tương lai sẽ giảm do xuất khẩu, công ăn việc làm, thu nhập cùng giảm nên sức mua sẽ giảm trong vài năm. Ông Tài cho rằng các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ có thể bảo vệ được 80% lợi nhuận là giỏi, 90% như MWG là xuất sắc còn 100% là “thần thánh”.
Ông Tài nói thậm chí các doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch bệnh cũng có thể gặp khó khăn trong thời gian tới do sụt giảm tổng cầu. Chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) bị ảnh hưởng rõ rệt trong khi ngành bán lẻ thực phẩm thiết yếu (FMCG) ảnh hưởng ít hơn trong ngắn hạn nhưng 1-2 năm tới vẫn bị ảnh hưởng.
Dự báo, chuỗi bán lẻ TGDĐ và ĐMX chắc chắn giảm. Còn ngành bán lẻ thực phẩm FMCG chưa ảnh hưởng trầm trọng, song dài hạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong thị trường như thế, MWG sẽ đưa ra kế hoạch kinh doanh không còn máu lửa như các năm trước, doanh thu thuần 110.000 tỷ đồng, tăng 8% và LNST 3.450 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2019.
Mặc dù kế hoạch đi lùi, song con số với MWG cũng là thách thức, đòi hỏi nỗ lực chiến đấu rất lớn từ toàn thể đội ngũ nhân viên của Công ty. Bởi lẽ, đợt bùng phát dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm của hoạt động bán lẻ với hai chuỗi TGDĐ và ĐMX.
Tổng kết 4 tháng đầu năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 37.187 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Bước sang tháng 4, hoạt động kinh doanh của Công ty chính thức chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Một trong các nội dung được thảo luận nhiều nhất là chiến lược mở rộng và điểm lợi nhuận của BHX. Đại diện bộ phận quan hệ nhà đầu tư của MWG trình bày việc mở rộng BHX theo 2 giai đoạn với hiện tại là tăng tốc mở mới, mở rộng thị trường, đầu tư mạnh cho hệ thống kho và trung tâm phân phối (DC).
Theo Tổng Giám đốc MWG Trần Kinh Doanh, với nhu cầu đột biến trong tháng 3, BHX thực sự đã có lời nhưng đó là may mắn khi doanh thu trên mỗi cửa hàng đột biến ở mức 1,6 tỷ đồng. Các tháng sau biên lãi gộp 24-25% sau hủy hàng. Với lãi gộp đó trừ đi chi phí hoạt động khoảng 20%, chi phí DC (trung tâm phân phối, kho) khoảng 5,5% thì dự án bắt đầu trang trải được các chi phí. Khi nào biên lãi gộp tăng thêm một phần nhỏ nữa sẽ có lời.
Ông Doanh chia sẻ chiến lược năm nay của BHX sẽ chỉ mở cửa hàng từ vùng Đắk Lắk, Lâm Đồng trở vào Cà Mau, mở rộng quy mô ra 25 tỉnh thành, nâng tổng số lên khoảng 1.800-1.900 cửa hàng, chưa có kế hoạch mở rộng ra miền Bắc. Năm 2021, BHX vẫn tập trung tại các tỉnh, thành có sẵn nhưng mở thêm 500 - 600 cửa hàng để đảm bảo việc có lợi nhuận. Đây là chiến lược nội bộ của MWG nhưng không có nghĩa không mở rộng ra các tỉnh thành khác.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, BHX năm nay sẽ đạt doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng - bằng hơn 50% so với doanh số của chuỗi Coop- Mart (35.000 tỷ đồng). Khi quy mô của chuỗi càng lớn thì MWG càng có khả năng thương lượng để tăng tỷ lệ lãi gộp từ các nhà cung cấp. Vì vậy, sang năm, hệ thống chuỗi BHX sẽ chắc chắn có lời sau khi trừ đi mọi chi phí, "bao gồm tính cả chi phí lương của anh Doanh".
Ông Trần Đăng Doanh nhấn mạnh thêm việc BHX sẽ trở thành chuỗi tăng trưởng nhanh nhất, to nhất và bỏ rất xa các chuỗi bán lẻ thực phẩm tiếp theo. "Nếu BHX to nhất là 10 thì không phải chuỗi tiếp theo là 7-8, đấy không phải cách làm kinh doanh của tụi này. Quay lại nhìn thì TGDĐ gấp 3 lần chuỗi tiếp theo, còn ĐMX còn gấp nhiều lần hơn. Các bạn ghi âm lại vài năm nữa quay lại đây coi ông Doanh nổ hay nói thật", ông Doanh tự tin chia sẻ tại cuộc họp.
Huy Đức