Nam thanh niên vươn lên thoát nghèo nhờ cây chè ở Hà Giang

Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa rộng khắp, trên địa bàn huyện Quang Bình thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm. Với sức trẻ và ý chí quyết tâm, họ đã vươn lên từ hai bàn tay trắng, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, trong số đó có anh Nguyễn Văn Tới (sinh năm 1986, Bí thư Chi đoàn thôn Tân Tiến, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang).

Trò chuyện với phóng viên, anh Tới chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình thuần nông, vì không có điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học nên sau khi tốt nghiệp THPT mình đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được 2 năm. Sau khi trở về, mình xây dựng gia đình, kinh tế ngày càng eo hẹp khi đứa con nhỏ chào đời. Nhận thấy gia đình có truyền thống trồng cây chè, tuy nhiên năng suất, sản lượng không cao nên mình đã quyết tâm khởi nghiệp từ cây chè truyền thống, lựa chọn đây sẽ là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của mình...”.

Trước đó, gia đình anh đã có hơn 1 ha chè, tuy nhiên, do trồng không đúng mật độ và chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên năng suất thấp, đem lại thu nhập không cao. Anh Tới đã cất công mày mò, học tập qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và qua các lớp tập huấn của địa phương, sau đó anh trồng mới thêm gần 2 ha chè và trồng dặm vào những chỗ mất khoảng để đảm bảo mật độ, nâng tổng diện tích chè của gia đình lên 3 ha. Cùng với đó, anh trồng xen thêm 3 ha cam, quýt, đến năm ngoái đã có 1 ha cam cho thu hoạch và đầu tư trồng thêm 1 ha cây keo.

Anh Nguyễn Văn Tới trong một lần thu hái chè
Anh Nguyễn Văn Tới trong một lần thu hái chè

Anh Tới cho biết: “Mỗi năm chè thu được từ 10 - 12 lứa, với hơn 3 ha chè hiện có của gia đình, vào thời điểm thu hái chè, nhà tôi phải thuê từ 5 - 10 nhân công thời vụ, với mức thu nhập 120.000 đồng/ngày. Trong năm 2016, tính riêng thu nhập từ chè của gia đình tôi đạt gần 150 triệu đồng và thu nhập từ cam đạt trên 30 triệu đồng nữa. Sau bao năm vất vả chăm bón, miệt mài ngoài nương bãi, giờ mới nhìn thấy một chút thành quả chị ạ. Tuy vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng mình thấy vui vì từ mô hình của gia đình mình đã có thêm nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư phát triển chè và cây ăn quả, nhiều thanh niên trong thôn đã không bỏ đi làm ăn xa nữa mà quyết tâm lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương...”.

Với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn Tân Tiến, anh Tới đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các bạn đoàn viên mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình phù hợp điều kiện địa phương như: Trồng chè, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà...

Cùng với đó, anh cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thanh niên như tích cực hưởng ứng “Ngày thứ 7 hướng về thôn bản”, “Ngày Chủ nhật xanh”, tham gia làm đường liên thôn, trồng cây chống sạt lở 2 bên bờ sông, giúp các hộ dân trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi... Năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, Nguyễn Văn Tới luôn nhận được sự tin yêu, quý mến của đông đảo đoàn viên, thanh niên và bà con nơi cư trú.

Duy Lê (t/h)