Dự án được triển khai tại tỉnh Sơn La trong giai đoạn từ năm 2016 tới năm 2020 tại 6 xã thuộc hai huyện miền núi là Mường É, Chiềng Ngàm, Phồng Lập (huyện Thuận Châu) vàYên Sơn, Mường Lựm, Chiềng Hặc (huyện Yên Châu). Phần lớn đối tượng hưởng lợi của dự án này là người dân tộc thiểu số, thường sống các bản miền núi và có xu hướng sống trong điều kiện sức khoẻ, kinh tế và các điều kiện xã hội kém hơn so với người Kinh. Đối tác của dự án là tổ chức HealthBridge Vietnam, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La. Cơ quan phụ trách ngoại giao của Canada (Global Affairs Canada) tài trợ ngân sách cho dự án.
Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện việc tiếp cận và tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và trẻ em dưới 2 tuổi. Dự án cũng tác động lên nhóm thiếu niên và can thiệp lên vấn đề giáo dục sức khoẻ sinh sản tại các trường học và tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cải thiện dinh dưỡng là một cấu phần quan trọng của dự án, với những can thiệp như khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, giáo dục về dinh dưỡng và vườn nhà.
Dự án đã đạt được hai mục tiêu đề ra. Dự án hướng tới nâng cao việc sử dụng dịch vụ y tế thiết yếu cho bà mẹ, phụ nữ mang thai, trẻ em mới sinh và trẻ em dưới 2 tuổi, cùng với tăng cường tiêu thụ thực phẩm dinh dưỡng. Can thiệp đã đóng góp cải thiện đáng kể việc sử dụng dịch vụ y tế thiết yếu dành cho bà mẹ, phụ nữ mang thai, trẻ mới sinh và trẻ em dưới 2 tuổi.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã chia sẻ những kết quả cụ thể: Dự án đã góp phần thay đổi và nâng cao năng lực, khả năng lập kế hoạch triển khai các dịch vụ y tế tại địa bàn dự án đối với y tế các tuyến: Nhiều khóa đào tạo, tập huấn, giám sát hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn được tổ chức (hơn 50 khóa tập huấn, trên 600 chuyến giám sát, hơn 100 buổi giao ban tuyến huyện với tuyến xã...).
Dự án góp phần tăng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần cải thiện việc chăm sóc y tế cho các đối tượng đích, bao gồm sức khỏe sinh sản và sức khỏe sinh sản vị thành niên (Hơn 50 cô đỡ được đào tạo thực hiện trên 4500 lượt khám tại vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi; Hơn 100 sự kiện truyền thông SKSS vị thành niên tại các trường học và cộng đồng).
Dự án còn góp phần thay đổi và nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ và tăng cường sự hỗ trợ từ nam giới (trên 1.000 buổi truyền thống nhóm nhỏ cho các bà mẹ về sức khỏe và dinh dưỡng, hơn 500 nhà vườn cung cấp thức ăn đa dạng làm tăng sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng...).
Ngoài ra, kết quả của Dự án còn thể hiện ở những con số cụ thể:Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám tiền sản từ 04 lần trở lên và được xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu gần như gấp đôi vào cuối kỳ so với đầu kỳ dự án.
Tỷ lệ phụ nữ mang thai được uống viên sắt và axit folic và tỷ lệ trẻ mới sinh được tiêm phòng uốn ván tăng đáng kể vào cuối kỳ dự án so với đầu kỳ. Thêm vào đó, tỷ lệ sinh tại nhà giảm hơn một nửa (46,2% vào thời điểm cuối kỳ dự án so với 21,2% vào cuối kỳ).
Điều đáng mừng hơn nữa là, kết quả đánh giá cho thấy thành công trong tăng cường thực hành dinh dưỡng tốt.Ví dụ, tỷ lệ trẻ mới sinh được bú mẹ hoàn toàn trong một giờ đầu sau sinh tăng theo con số thống kê từ 61,7% lên 87,3% vào cuối kỳ dự án.
Tỷ lệ trẻ được bú hoàn toàn tới sáu tháng tuổi tăng từ 17% vào đầu kỳ dự án lên 30% vào cuối kỳ dự án. Sự tham gia của nam giới là một chiến lược quan trọng mà dự án đề ra và sự tham gia của nam giới vào vấn đề sức khỏe bà mẹ trẻ em có sự cải thiện, bao gồm việc người chồng tăng chăm sóc và hỗ trợ phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ.
Tính phù hợp của dự án được phản ánh qua thiết kế, chiến lược và phương pháp tiếp cận. Dự án áp dụng mô hình can thiệp phù hợp và các hoạt động cho nhóm đích, chủ yếu là nhóm người dân tộc Thái và H'mông. Các hoạt động dự án hướng tới giải quyết nhu cầu về sức khỏe bà mẹ, trẻ mới sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh cụ thể của địa phương.
Nội dung và tài liệu tập huấn cùng chiến lược truyền thông được xây dựng cùng với nhóm can thiệp, sử dụng ngôn ngữ địa phương và thực hành liên quan tới chăm sóc sức khỏe phù hợp với văn hóa bản địa. Dự án sử dụng Facebook là kênh tăng cường thông tin và xây dựng tính làm chủ dự án cho cán bộ y tế Dự án và cộng đồng địa phương.
Nhiều khuyến nghị cho việc duy trì bền vững được ghi nhận. Có bằng chứng cho thấy một số hoạt động dự án được đối tác địa phương duy trì, đó là hỗ trợ cô đỡ thôn bản dân tộc thiểu số, các buổi truyền thông về chủ đề dinh dưỡng và sức khỏe bà mẹ trẻ em tại các bản, các sự kiện giáo dục sức khỏe sinh sản tại trường học, chức năng của Đơn nguyên sơ sinh ở bệnh viện huyện và tư vấn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở bệnh viện.
Thông qua kết quả của dự án cho thấy hoạt động cô đỡ thôn bản tại 6 xã triển khai dự án là vô cùng cần thiết. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã đưa ra một số giải pháp: Rà soát lại Y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản hiện nay đang hoạt động, đặc biệt là các cô đỡ đồng thời thực hiện nhiệm vụ của y tế thôn bản; Duy trì hoạt động của các cô đỡ và chi trả phụ cấp từ nguồn ngân sách tỉnh bằng việc đề xuất nhất thể hóa chức danh Y tế thôn bản với cô đỡ thôn bản (hiện nay chỉ có Y tế thôn bản mới được nhận phụ cấp từ ngân sách tỉnh). Đổng thời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục vận động chính sách hỗ trợ duy trì phụ cấp cho cô đỡ từ các dự án khác (Quỹ Thiện Tâm). Hàng năm cân đối nguồn kinh phí của đơn vị để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cho nhân viên y tế tuyến xã, Y tế thôn bản, các cô đỡ thôn bản.
Về hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên trong trường học và cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, Yên Châu, Trạm Y tế phối hợp với các Trường trung học cơ sở của 6 xã triển khai dự án tiếp tục thực hiện và duy trì hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên bằng việc lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa của các nhà trường.
Tiếp tục thực hiện tốt nội dung truyền thông sức khỏe sinh sản vị thành niên tại kế hoạch số 264/KH-SYT-SGD&ĐT ngày 21/8/2019 về kế hoạch phối hợp liên ngành tổ chức triển khai công tác y tế trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các Trường học tăng cường phối kết hợp với cơ sở y tế tại địa phương thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông sức khỏe sinh sản vị thành niên. Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, các cuộc thi tìm hiểu về giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên và động viên, khuyến khích các em học sinh tham gia.
Kết thúc hội thảo cũng đã đưa ra một số khuyến nghị: Đề đạt được hiệu quả cao hơn, y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản nên sử dụng công cụ theo dõi việc tham gia tại các buổi truyền thông về dinh dưỡng sức khỏe bà mẹ trẻ em. Việc quản lý tốt hơn sẽ giúp Y tế thôn bản và Cô đỡ thôn bản theo sát và gắn bó chặt chẽ hơn với phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi.
Can thiệp sức khỏe sinh sản vị thành niên nên được mở rộng thành mô hình Giáo dục Giới tính Toàn diện để hỗ trợ vị thành niên đối mặt với thách thức đặc thù liên quan tới sức khỏe sinh sản và tình dục. Tảo hôn và sinh con sởm là hai vấn đề đặc thù của Sơn La. Giáo dục Giới tính Toàn diện tăng cường cung cấp thông tin phù hợp lứa tuổi, chính xác về khoa học tới vị thành niên, cung cấp cho các em kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để trao quyền cho các em phát triển thành người lớn khỏe mạnh, xây dựng mối quan hệ xã hội và tình dục có sự tôn trọng, thực hành kỹ năng giao tiếp và kỹ năng phân tích, cân nhắc hậu quả có thể xảy tới với mỗi lựa chọn của mình và phát triển hết tiềm năng.
HealthBridge là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở chính tại Canada. HealthBridge cộng tác với các đối tác để cải thiện sức khỏe và bình đẳng y tế cho người dân thông qua nghiên cứu, vận động và thực thi chính sách. HealthBridge bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ năm 1995 với các chương trình: Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm, thành phố sống tốt, dinh dưỡng và an ninh lương thực; Giới, Sức khỏe sinh sản và chăm sóc bà mẹ trẻ em. Dự án do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ với thời gian 4 năm thực hiện từ giữa năm 2016 đến hết quý 1 năm 2020. Dự án triển khai ở 102 bản thuộc 6 xã, 2 huyện Thuận Châu và Yên Châu, tỉnh Sơn La.
PV