Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp

Ngày 17/11, dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp cùng Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam (CITES Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức khởi động chiến dịch truyền thông “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp”.

Qua "Nghiên cứu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê ở Việt Nam" do USAID thực hiện năm 2018, khoảng 50% người mua và sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê nhận thức không đầy đủ về các điều luật và các hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp này.

Chiến dịch nhằm “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp” sẽ diễn ra xuyên suốt trong năm 2020 – 2021 để nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như giảm thiểu việc tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật. Chiến dịch sẽ tập trung truyền tải các thông điệp cụ thể và quyết liệt như: “Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã: Phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng”; “Đừng biến chuyến du lịch thành hành trình phạm pháp”… nhằm nhấn mạnh vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Bảo phát biểu tại buổi lễ  
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Bảo phát biểu tại buổi lễ  

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tài nguyên sinh hoạc tự nhiên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam ngày càng suy giảm, nhiều loài có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng, bị săn bắt, tiêu thụ trái pháp luật. Tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ của người dân, vì thế phải thay đổi thói quen, nhu cầu này, dù không phải trong một sớm một chiều. Tội phạm về buôn bán trái pháp luật ĐVHD cần được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng, có tổ chức, có tính chất xuyên biên giới. Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp. Bên cạnh đó, việc thực thi háp luật bảo vệ động vật được chú trọng, hiệu quả. Nhiều đường dây săn bắt ĐVHD bị triệt phá, các đối tượng buôn lậu bị bắt giữ , góp phần tạo ra trật tự kỉ cương trong quản lý và bảo vệ ĐVHD. Cùng với đó, các cơ sở chăm nuôi được quản lý chặt chẽ, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao.

Bà Ann Marie Yastishock, Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam
Bà Ann Marie Yastishock, Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam

Bà Ann Marie Yastishock, Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam chia sẻ: “Hoạt động tiêu thụ buôn bán ĐVHD ở Việt Nam đang diễn ra rất nóng bỏng. Trong quý I/2020 đến nay đã có 23 vụ việc săn bắt ĐVHD được báo cáo, 240 cá nhân bị điều tra bắt giữ, 400 kg sừng tê giác bị tịch thu. Thế giới đang có nhiều loài động vật bị đe doạ như voi, hổ, tế giác, tê tê… Các hoạt động buôn bán ĐVHD còn gây ra những mối nguy hại cho an ninh quốc gia. USAID đang giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này, chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với các bộ ngành để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của động vật hoang dã, đưa các trường hợp phạm luật ra truy tố, chung tay chống lại tội phạm này.

Chúng ta cần nâng cao nhận thức, hành vi và có biện pháp trừng phạt với kẻ vi phạm, không dung thứ với kẻ tiêu thụ sản phẩm ĐVHD. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam phòng, chống tội phạm về buôn bán ĐVHD trái pháp luật và chấm dứt nhu cầu sử dụng đối với các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp. Thông qua các hoạt động truyền thông đa dạng và có chiều sâu, chúng tôi tin tưởng người dân sẽ thay đổi nhận thức và dần loại bỏ việc sử dụng ĐVHD trái pháp luật”.

Ông Bùi Đông Phong, Giám đốc Văn phòng Dự án các Loài động vật hoang dã, quý hiếm đã có những chia sẻ về chiến dịch truyền thông này. Trong vài thập kỷ vừa qua, nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Việt Nam là quốc gia sản xuất, tiêu thụ và trung chuyển mẫu vật các loài ĐVHD, trong đó hoạt động nhập khẩu và trung chuyển mẫu vật ĐVHD bất hợp pháp ngày càng tinh vi và phức tạp.

Toàn cảnh lễ phát động
Toàn cảnh lễ phát động

Trước tình hình trên, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống, đấu tranh với tội phạm ĐVHD và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), trong đó việc ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) coi tội phạm ĐVHD là nghiêm trọng với khung hình phạt rất nghiêm khắc đối với những hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ các sản phẩm từ ĐVHD và nhiều văn bản pháp luật khác quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc ĐVHD; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển ĐVHD bất hợp pháp là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ các loài hoang dã. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD của cộng đồng còn hạn chế, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu, rộng, niềm tin của người dân vào việc sử dụng ĐVHD để trị bệnh, làm đồ thủ công mỹ nghệ hay đem lại may mắn, thịnh vượng vẫn còn tồn tại.

Thông qua các hoạt động truyền thông đa dạng và có chiều sâu, đại diện USAID cũng bày tỏ tin tưởng người dân sẽ thay đổi nhận thức và dần loại bỏ việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật.

Hoàng Nhung