Phân tích cổ phiếu đáng quan tâm ngày 1/9

Hai sàn kết phiên trái chiều khiến độ rộng thị trường là tiêu cực với 277 mã tăng, 111 mã tham chiếu, 362 mã giảm. VN-Index tăng điểm trong toàn bộ thời gian phiên hôm nay nhờ lực cầu gia tăng từ đầu phiên; tuy nhiên, áp lực bán xuất hiện trong phiên chiều khiến mức tăng bị thu hẹp lại. Nhóm cổ phiếu trụ cột có sự phân hóa rõ nét với bên tăng là các mã như SAB (+5,2%), VNM (+1,4%), CTG (+2,4%), BID (+1%), HVN (+4,3%), BVH (+3,9%), VJC (+2,4%), HPG (+1%), NVL (+1,3%), MSN (+0,9%)... và bên giảm là các mã như VCB (-0,5%), TCB (-1,4%), GVR (-1,7%), LGC (- 6,9%), VPB (-1,1%), VRE (-0,7%), PDR (-3,4%), VHM (-0,1%), FPT (-0,8%), STB (-1,3%)... Trên sàn HNX, các trụ cột như ACB (-0,9%), SHB (-0,7%), THD (-3,6%)... đều giảm khiến chỉ số HNX-Index điều chỉnh sau tám phiên tăng liên tiếp.

  • Phân tích cổ phiếu đáng quan tâm ngày 1/9 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 26/8 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:

VJC: Xu hướng hồi phục:

VJC đang hình thành xu hướng hồi phục sau tích lũy trung hạn tại ngưỡng giá 100. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực này. Đường giá cổ cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế ở mốc giá 103.0 và chốt lãi quanh ngưỡng giá 112.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 100.0.

Nguồn: BSC
Nguồn: BSC

KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu HPG

Kết thúc phiên giao dịch 31/8, HPG tăng 1% lên 24,550 VNĐ/cp.

HPG thông báo lò cao số 3 của Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được đưa vào vận hành thành công. Cụ thể, ngày 24/8, lò cao số 3 của dự án đã chính thức đi vào sản xuất, cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC) ra thị trường từ cuối tháng 9. Sau 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, lò cao số 3 sẽ đạt công suất thiết kế, đưa công suất của khu liên hợp lên mức 12,000 tấn/ngày.

Về lò cao số 4, tiến độ xây dựng đang diễn ra thuận lợi và dự kiến hoạt động ổn định vào đầu năm 2021. Khi đó, sản lượng thép thô tối đa của khu liên hợp sẽ đạt 16,000 tấn/ngày, tương đương khoảng 5 triệu tấn/năm.

Khuyến nghị đối với cổ phiếu TCB:

Theo MBS, chúng tôi duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu TCB và giá mục tiêu 22.600 đồng.

Lợi nhuận của TCB trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ tăng trưởng mạnh ở thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ. Chi phí dự phòng nợ xấu đã tăng mạnh 461% trong 6T2020 do tác động của dịch Covid-19.

Dự kiến lợi nhuận cả năm của TCB tăng trưởng 14% so với năm 2019 do tăng trưởng tín dụng tích cực và hạn chế nợ xấu nhờ tập khách hàng bền vững. Ngoài ra, giá cổ phiếu TCB dự kiến sẽ tăng tích cực trong thời gian tới nhờ thông tin quỹ nước ngoài sẽ đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2020, TCB ghi nhận 11.785 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 23% lên 8.150 tỷ đồng chủ yếu nhờ dịch vụ phát hành trái phiếu tăng 52,4%. NIM tăng 19ppts do lãi suất cho vay được nới rộng và tăng đầu tư vào TPDN, đạt tương ứng 4,49%.

Trong khi đó, tỷ lệ chi phí thu nhập CIR được cải thiện, giảm từ 35% trong nửa đầu năm 2019 xuống còn khoảng 32,5% do hoạt động tiếp thị và chương trình kết nối khách hàng bị gián đoạn. Mặc dù vậy, chi phí dự phòng rủi ro tăng khá, từ 239 tỷ đồng lên 1.211 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 19%, đạt tương ứng 6.738 tỷ đồng.

Trong 6 tháng năm 2020 tỷ lệ NPL đã giảm từ 1,3% xuống 0,9% một phần do tác động của thông tư 01/2020/NHNN giúp ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ xấu phát sinh do Covid-19.

Trong 6 tháng năm 2020 tín dụng đã tăng trưởng 4% so với đầu năm (bao gồm tăng trưởng trái phiếu DN), dự phóng sẽ đạt 17% trong năm 2020. Mặc dù NIM tăng 19 ppts trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi dự phóng NIM cả năm 2020 sẽ duy trì bằng so với năm 2019, cân bằng giữa tập khách hàng mạnh, tỷ lệ CASA cao và xu hướng lãi suất cho vay sẽ giảm vào cuối năm.

Mặc dù vậy, chúng tôi dự phóng NPL cuối năm 2020 sẽ tăng lên mức 1,5% từ 1,33% trong năm 2019. Tỷ lệ LLR duy trì ở mức 94%, chi phí dự phòng tín dụng tăng 102% so với mặt bằng thấp năm 2019.

Quỹ China Trust Vietnam Opportunity Fund do CTBC Investments điều hành sẽ đưa dòng vốn của nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam. Một trong các vị thế của quỹ CTBC là chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF. Việc TCB là một cổ phiếu trong rổ ETF này sẽ là chất xúc tác tích cực cho giá cổ phiếu này trong thời gian tới.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tú Thành