Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Sông Mã còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Một số giống mới được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với vật nuôi truyền thống.
Với nhiều chuyển biến tích cực trong hơn chục năm trở lại đây ngành nông nghiệp huyện Sông Mã đã và đang có nhiều đóng góp vào đẩy nhanh việc phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội trên địa bàn. Và cũng để tận dụng tối đa tiềm năng đó, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, UBND huyện cùng các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động cũng như khuyến khích, tạo điều kiện và trực tiếp phối hợp cùng nhân dân xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hay về chăn nuôi bò giống, nuôi lợn, nuôi ba ba thương phẩm..
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã triển khai thực hiện đồng bộ cả về trồng trọt và chăn nuôi, khuyến khích người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đồng thời áp dụng thâm canh tăng vụ, chuyển hình thức tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; khuyến khích và hỗ trợ các hộ chăn nuôi áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: “Thực hiện quy trình giám sát, an toàn dịch bệnh, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Bước đầu, huyện Sông Mã đã xây dựng 04 chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm như chuỗi phát triển chăn nuôi bò, chuỗi phát triển chăn nuôi gà, chuỗi trồng cây ăn quả và chuỗi phát triển cây dược liệu. Đặc biệt, đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi tập trung, chú trọng phát triển đàn trâu, bò, đàn lợn phù hợp với điều kiện thực tiễn, thế mạnh của từng xã. Đến hết năm 2019, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt trên 165 nghìn con. Trong đó, đàn trâu là trên 12 nghìn con và đàn bò là trên 52 nghìn con, đàn dê là trên 16 nghìn con, đàn lợn trên 2 tháng tuổi là trên 84 nghìn con.
Ông Hải cho biết thêm: “Thông qua thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông thôn, nếu như năm 2015 huyện Sông Mã chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến nay đã có 2/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với tiêu chí bình quân đạt là 10,6 tiêu chí/xã. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.”
Điển hình trong các mô hình của huyện có thể kể tới hộ gia đình ông Bùi Minh Châu bản Nà Hin II xã Nà Nghịu với thu nhập trung bình 1 tỷ 700 triệu/ năm thông qua việc chăn nuôi 200 con lợn bán tự động; 2000 con ba ba, 500 mét vuông nuôi cá kết hợp trồng vải xung quanh.
Ông Bùi Mình Châu ở bản Nà Hin II xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã chia sẻ: Tôi là cán bộ được nhà nước cho nghỉ hưu từ năm 2005, xuất phát từ tình hình thực tế, gia đình cũng thiếu công an việc làm, tôi đã nghiên cứu, tổ chức cho các cháu nuôi lợn thương phẩm, nuôi ba ba và trồng cây ăn quả. Hiện nay kinh tế gia đình rất ổn định, chăn nuôi về thu nhập cũng được vài tỉ, từ mô hình nuôi cá, ba ba, trồng vải. Năm nay thì do khó khăn chung về dịch bệnh, gia đình cũng vẫn quyết tâm duy trì và phát triển mô hình.
Ngoài mô hình nuôi lợn và ba ba, người nông dân còn phát triển thành công đa dạng các loại hình chăn nuôi bò thương phẩm, nuôi bò giống phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài tỉnh. Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng tại xã Chiềng Khương, chị Trần Thị Huệ bản Híp đã chủ động chi ra khoảng 1 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi bò giống với quy mô 2 nghìn mét vuông với 3 chuồng, 1 khu vận động, hàng năm cung cấp khoảng 100 con bò mẹ, hàng chục bê con cho thu nhập ổn định.
Chị Trần Thị Huế ở bản Híp xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chia sẻ: “Tôi rất thích chăn nuôi, trước đây gia đình tôi có chăn nuôi lợn, nhưng do giá cả bấp bênh, nhiều rủi ro nên gia đình tôi đã chuyển sang chăn nuôi bò, qua hơn 1 năm từ khi chuyển sang nuôi bò, gia đình tôi thấy hiệu quả hơn. Vừa qua, gia đình tôi đã bán được 1 lứa bê đi rồi, thời điểm hiện tại lại bắt đầu 1 lứa mới, từ nay đến cuối năm là bắt đầu sinh sản nhiều. Nói chung, mỗi 1 năm sẽ bán được 1 lứa bê, hiện tại thì gia đình tôi thấy nuôi bò cho hiệu quả cũng cao.”
Nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi, ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân tập trung chăn nuôi nhốt chuồng, tránh thả rông, phát triển mô hình nuôi trâu, bò kết hợp trồng cỏ. Ðó là cơ sở để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn, quy mô lớn theo chuỗi liên kết giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Sông Mã chưa có Hợp tác xã hay trang trại về phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc. Tuy nhiên, năm 2020 có 6 Hợp tác xã đã và đang triển khai thực hiện theo định hướng chăn nuôi đại gia súc tập trung cũng như là chăn nuôi gia cầm.
“Để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm tiếp theo, phòng NN&PTNT huyện Sông Mã sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung thâm canh các loại cây trồng vật nuôi có giá trị và tiềm năng, tích cực áp dụng khoa học công nghệ, xem đây là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, sản xuất với nhu cầu của thị trường nhằm phát triển bền vững, cùng với đó là khuyến khích tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức theo hướng nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.” Ông Hải cho biết thêm.
Có thể khẳng định rằng, bằng nhiều cách làm khác nhau trong phương thức, quy mô và được sự hỗ trợ đầu tư, khuyến khích của nhà nước, việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở Sông Mã là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả, giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cùng với sự tích cực, chủ động của người dân, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Sông Mã được duy trì và phát triển tốt, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tạ Thành