Mới đây, ngày 5-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, đề xuất tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương tổng hợp danh mục các dự án điện gió, bao gồm tên dự án, công suất, địa điểm, dự kiến phương án đấu nối đang đề nghị khảo sát, nghiên cứu triển khai, bổ sung quy hoạch đã được trình riêng lẻ gửi về bộ trước ngày 9-10.
Do thời gian thẩm định riêng lẻ các dự án điện gió đến khi trình Quy hoạch điện VIII không còn nhiều, Bộ Công Thương tạm dừng xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh).
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát quy hoạch địa điểm vị trí các nhà máy điện gió theo các quy định hiện hành và một số tiêu chí nêu tại Văn bản số 4865/BCT-ĐL ngày 06 tháng 7 năm 2020 và Văn bản số 4640/BCT-ĐL ngày 26 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công Thương.
Trước đó, tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Cơ chế chính sách của Thủ tướng Chính phủ đã tạo động lực để phát triển điện gió tại Việt Nam trong những năm qua. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương nhận được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung quy hoạch các dự án điện gió (trên đất liền, gần bờ, xa bờ) lên đến khoảng 50.000 MW.
Sau nhiều lần bổ sung quy hoạch điện gió, tổng công suất quy hoạch điện gió năm 2025 là 11.800 MW (trong đó 4.800 MW điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019), tương ứng với tính toán cơ cấu nguồn điện gió theo phương án cao.
Huy Đức