Ngành công nghiệp rượu bia, nước giải khát tại Việt Nam hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là tác động kép của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của một số cơ chế chính sách. Ngành công nghiệp rượu bia cũng đang đứng trước nhiều cơ hội tiềm năng nếu các doanh nghiệp biết cách nắm bắt để phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, nhiều năm nay, song song với lĩnh vực thực phẩm - ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam cho biết, ngành đồ uống nói chung và bia rượu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
“Thực trạng ngành rượu bia hiện nay, do nhu cầu xã hội, sự cố gắng của DN, chính sách của nhà nước đã hài hòa, quan tâm tới ngành. Nhưng chính sách không khuyến khích rượu bia nên không tăng trưởng cũng không nộp được cho ngân sách nhà nước. Sản lượng bia năm 2019 có tăng nhưng năm 2020 giảm từ 10-20% dẫn đến thất thu ngân sách đáng kể”, ông Việt nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), doanh nghiệp rượu bia ngày càng phải đối diện với sức ép cạnh tranh lớn, thiên hướng tiêu dùng có thể thay đổi, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Mặc dù đang có sự tham gia của hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành bia, rượu nước giải khát cho biết gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đưa ra kịch bản phát triển trung và dài hạn cho ngành bia rượu của Việt Nam trong thời gian tới. Kịch bản sự phát triển ngành bia rượu trung và dài hạn của cho ngành bia rượu trong thời gian tới phụ thuộc vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Kịch bản 1, nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Theo đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5 - 7,5%.
Kịch bản 2, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở cửa lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5 - 6%.
Kịch bản 3, Luật quảng cáo, Nghị định 24 ban hành ngày 24/02/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia, cụ thể liên quan đến Quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia; Hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu bia trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và Thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập thông tin và mua rượu bia. Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15% và bia phải gắn kèm các nội dung cảnh báo cùng với đó là thị hiếu người tiêu dùng trong nước thay đổi tạo áp lực lên các loại bia sản xuất trong nước bắt buộc phải nâng cấp cả về chất lượng, mẫu mã và chủng loại sản phẩm.
Với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nếu dịch bệnh trong nước được kiểm soát và thế giới đẩy lùi, cùng với việc thực hiện Luật phòng chống rượu bia thì kịch bản sự phát triển trung hạn của ngành bia rượu sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng khoảng 3-3,5%, không như 5 năm gần đây (6,6%). Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp kịch bản sự phát triển của ngành bia rượu phục hồi chậm và tăng trưởng khoảng 2-2,5%.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành rượu bia, Nhà nước cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách. Các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh tái cấu trúc và có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường. Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất bia có các chi phí đầu vào ổn định và không quá cao, thì việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận. Bản thân các doanh nghiệp ngành bia cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới giảm sự ảnh hướng tới sức khỏe, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP./.
Hoàng Nhung