Thi tốt nghiệp THPT 2020: Bộ GD-ĐT sẽ không khoán trắng cho các địa phương

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không đơn thuần chỉ xét tốt nghiệp mà căn cứ vào kết quả kỳ thi, ngành giáo dục điều chỉnh, bổ sung cách dạy và học.

Một trong những điểm đáng chú ý của Quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố là giao địa phương tổ chức thi; các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hoàn toàn “đứng ngoài”, không tham gia coi thi, chấm thi. Với bài học gian lận thi cử xảy ra tại một số địa phương năm 2018 vẫn còn nóng hổi, thì việc trao quyền cho các địa phương tổ chức thi, khiến xã hội lo ngại về tính trung thực, nghiêm túc, công bằng.

Bộ GD-ĐT không buông xuôi, không khoán trắng cho các địa phương.  
Bộ GD-ĐT không buông xuôi, không khoán trắng cho các địa phương.  
 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không đơn thuần chỉ xét tốt nghiệp mà căn cứ vào kết quả kỳ thi, ngành giáo dục điều chỉnh, bổ sung cách dạy và học; địa phương đánh giá kết quả giáo dục so với các địa phương khác và làm cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh. Vì thế, yêu cầu kỳ thi phải đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, dù Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhưng Bộ GD-ĐT không buông xuôi, không khoán trắng cho các địa phương mà sẽ làm hết chức trách, nhiệm vụ.

"Việc giao quyền và tổ chức thi cho các địa phương thì phải gắn liền với trách nhiệm của các địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách từng khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi. Điều này thì Bộ ban hành quy chế theo đó có những yêu cầu chặt chẽ về tổ chức kỳ thi. Cùng với đó Bộ chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để nhằm giám sát chất lượng cũng như đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Về đề thi, Bộ thực hiện mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có mã đề thi riêng cũng như áp dụng các thiết bị giám sát CNTT quản lý chặt chẽ bài thi, đề thi cũng như chấm trắc nghiệm đảm bảo hạn chế sự can thiệp của con người", ông Độ cho biết.

Không chỉ ở khâu ra đề thi, cung cấp khâu kỹ thuật liên quan chấm thi mà vai trò của Bộ GD&ĐT còn thể hiện rõ ở khâu thanh tra. Mục đích của thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT nhằm phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra ở tất cả các khâu, giúp các cấp làm đúng việc, đúng nhiệm vụ; Góp phần tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công khai minh bạch.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020, sẽ có ba cấp thanh tra, kiểm tra tham gia ở tất cả các khâu của kỳ thi. Đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo (trong đó có các trường ĐH, CĐ), UBND tỉnh, sở Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Nguyễn Đức Cường, ba lực lượng thanh tra này sẽ được phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn để công tác thanh tra không bị chồng chéo, không điểm mờ.

"Phân định rõ phạm vi đối tượng thanh tra của Bộ là thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của Sở, phạm vi đối tượng thanh tra của thanh tra tỉnh và công tác tổ chức thi của tỉnh, đối với sở là công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp... Năm nay huy động cán bộ giảng viên ĐH tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra thì chúng tôi dự kiến 2 nhóm cán bộ giảng viên: nhóm thứ nhất tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ, nhóm thứ 2 là tham gia công tác kiểm tra, thanh tra của các địa phương. Với sự chủ động của các địa phương, sự chung tay của Bộ GD-ĐT cùng các ban ngành nhằm đảm bảo từng khâu của kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, không để “một lỗ thủng nhỏ đánh đắm cả con tàu”. ", ông Cường nói.

Xã hội đang kỳ vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ diễn ra thực sự nghiêm túc, an toàn, khách quan, đảm bảo chất lượng./.

Lê Thu

Theo VOV