Thừa Thiên-Huế: Khởi công Cảng Vsico Chân Mây, khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn

Chiều ngày 06/4, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương dự lễ khởi công cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn nút khởi công cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn nút khởi công cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5).

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh, cho biết cảng Chân Mây, thuộc khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây…, hội đủ các điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như cả nước.

"Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, cảng Chân Mây đã vượt công suất thiết kế 50% (năng lực thiết kế 4 triệu tấn/năm nhưng thực tế khai thác 6 triệu tấn/năm). Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, theo dự báo và quy hoạch đến năm 2025, phải phát triển từ 5 cầu cảng đến 7 cầu cảng với tổng chiều đến 1.930m, năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,8 triệu tấn. Do vậy, việc đầu tư xây dựng bến số 4 và số 5 Cảng Vsico Chân Mây là hết sức cấp thiết và là bước chuẩn bị kịp thời để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng gia tăng trong các năm tiếp theo", ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.

Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp – container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây do Công ty CP Hàng hải Vsico (Hà Nội) làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng 26,3ha, trong đó mặt nước khoảng 5,9ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.680 tỷ đồng.

Cảng Vsico Chân Mây đặt mục tiêu xây dựng bến số 4, bến số 5 có hạ tầng cầu cảng, kho, bãi, trang thiết bị đảm bảo điều kiện cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, lưu kho bãi, vận tải hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến vận tải, dịch vụ hỗ trợ…

Xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container với tổng chiều dài 540m cùng kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUS. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày khởi công.

*Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chúc mừng dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chúc mừng dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn

Tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư, chuyên gia, người lao động Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB và các nhà thầu đã tập trung mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, nhất là hai năm dịch bệnh Covid19, hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn là dự án trọng điểm của tỉnh; dự án hoàn thành đưa vào vận hành đã tiếp nhận toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của 06/9 địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông với khối lượng phát sinh khoảng hơn 500 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ gần 90% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh) để xử lý theo công nghệ đốt phát điện thay cho công nghệ chôn lấp; do đó đã giải quyết cơ bản vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh bằng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường.

Dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn tọa lạc tại thôn số 2, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam, có diện tích 11.234 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 74,555 triệu USD (bao gồm bãi chôn lấp tro bay). Dự án được cấp giấy phép xây dựng vào ngày 2 tháng 11 năm 2021 và chính thức bắt đầu khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 11 năm 2021, nhận được Giấy phép môi trường ngày 10 tháng 8 năm 2023; hoàn thành vận hành thử nghiệm "72 + 24" vào ngày 7 tháng 12 năm 2023, được chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy vào ngày 29 tháng 12 năm 2023, nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng ngày 26 tháng 1 năm 2024; được cấp giấy phép hoạt động điện lực ngày 7 tháng 2 năm 2024 và chính thức chuyển sang vận hành thương mại.

Năm 2023, dự án được Hội đồng An toàn Anh bình chọn là “Giải thưởng An toàn Quốc tế”, tháng 3/2024 Bãi chôn lấp của dự án được đưa vào sử dụng là bãi chôn lấp tro bay linh hoạt đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, nhà máy xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt và có thể cung cấp khoảng 93 triệu kilowatt giờ điện xanh mỗi năm./.

Bùi Quốc Dũng