Trà hoa cúc: Thức uống đơn giản tại nhà

Nổi bật trong các loại trà thảo mộc và cũng là một loại trà khá dễ tìm, ít ai biết trà hoa cúc đã được đưa vào dùng như một thức uống từ thời nhà Tống, tức là khoảng những năm 900 - 1000 sau công nguyên. Có 2 loại cúc thường được dùng để pha là Cúc hoa vàng (còn gọi là Bạch cúc, tên khoa học là Chrysanthemum morifolium) và Cúc hoa trắng (tên khoa học là Chrysanthemum indicum).

Với Bạch cúc, đây là một loại cây thuốc rất quý, thường sống ở Trung Quốc và rất khó kiếm, không dễ trồng để đạt chất lượng. Mỗi bông Bạch cúc thực chất là một cụm hoa hình đầu, cụm hoa này khá nhỏ. Hoa được thu hái vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, tức là khi hoa đã nở (từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11) là tốt nhất. Hoa được thu hái mang về, sau đó phơi hoặc sấy khô, bảo quản trong bao bì kín, có thể hút chân không.

Với Cúc hoa vàng thì loại cây này dễ trồng hơn rất nhiều so với Bạch cúc, tại Việt Nam cũng có nhiều vùng trồng cúc khá chất lượng. Cách trồng và thu hái Cúc hoa vàng đơn giản hơn so với Bạch cúc, có thể thu hái quanh năm. Sơ chế của 2 loại cúc này thì tương tự nhau.

Cách pha trà hoa cúc

Lấy khoảng 10 đến 20 gam hoa cúc (bạch cúc hoặc Cúc hoa vàng) nguyên bông, 10 ml mật ong (chọn loại mật ong ngon, mật ong hoa nhãn hoặc mật ong rừng càng tốt), khoảng 5 gam Câu kỉ tử và 3 đến 4 quả táo đỏ. Tiếp đó, bạn đun một ấm nước sôi, khoảng 200ml.

Cho tất cả các nguyên liệu trên (trừ mật ong) vào bình giữ nhiệt hoặc ấm pha trà chuyên dụng, sau đó đổ 200ml nước sôi bên trên vào bình đã chứa nguyên liệu, đậy nắp kĩ.

Sau 2 phút, bạn cho mật ong vào bình trên, đậy nắp lại và 5 phút sau thì từ từ thưởng thức. Khi dùng xong 1 ấm trà, bạn có thể chế thêm nước sôi vào và tiếp tục uống cho đến khi vị trà nhạt hẳn, mỗi ấm trà như vậy bạn có thể dùng cả ngày. Thậm chí bã trà sau khi hãm hết nước thì chị em phụ nữ còn có thể dùng để đắp mặt cũng có tác dụng như những loại mặt nạ thông thường khác, hoặc dùng để rửa mặt cũng rất tốt, giúp chống lão hóa và sáng mịn da, diệt các vi khuẩn gây mụn trên da.

Tác dụng đáng kể đến khi dùng trà hoa cúc

Tác dụng kháng khuẩn: Các nhà khoa học đã chứng minh Cúc hoa có khả năng kháng tụ cầu vàng, liên cầu tán huyết beta nhóm A (đều là những vi khuẩn phổ biến có tỉ lệ kháng kháng sinh khá cao, thường gây các bệnh như viêm da, mụn chứng cá thậm chí liên cầu tán huyết beta nhóm A còn có thể gây viêm cầu thận cấp nguy hiểm tính mạng người dùng), trực khuẩn lỵ (thường gây bệnh lỵ có thể làm bệnh nhân chết vì sốc mất nước)…

Trà hoa cúc: Thức uống đơn giản tại nhà
Trà hoa cúc - Thức uống phổ biến và có tính lành, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng

Tác dụng hạ huyết áp: Nghiên cứu được công bố trong cuốn Chinese Hebral Medicine của Trung Quốc thực hiện trên 46 người bị bệnh huyết áp cao hoặc bệnh xơ vữa động mạch cho thấy, chỉ sau 7 ngày sử dụng nước sắc Cúc hoa vàng thì các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và mất ngủ của bệnh nhân đều cải thiện đáng kể, đồng thời 76,1% bệnh nhân có huyết áp trở về mức ổn định.

Cúc hoa có thể dùng hàng ngày, nên dùng vào buổi sáng sớm để tạo cảm giác thoải mái, thanh lọc cơ thể, bắt đầu một ngày mới. Những người bị cao huyết áp, hay mất ngủ, đau đầu và đặc biệt là người cao tuổi nên duy trì thói quen uống trà hoa cúc để phòng các bệnh trên.

Trà hoa cúc tuy phổ biến và có tính lành, phù hợp với nhiều đối tượng, tuy nhiên người dùng cần lưu ý các điểm sau: Người bị khí hư, đang bị tiêu chảy; người âm hư hoặc đang đau đầu mà lại sợ lạnh không nên dùng Cúc hoa và Bạch hoa vàng. Người tì vị hư hàn cũng nên kiêng dùng Bạch hoa, Cúc hoa vàng.

Di Linh