Từ ngày 1/7/2024 trẻ dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu

Theo Luật Căn cước, kể từ ngày 1/7/2024 có hai trường hợp trẻ dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu: Thứ nhất cho trẻ dưới sáu tuổi, thứ hai cho trẻ từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi.

Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước tại kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023, với 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%).

Tại Điều 19 Dự thảo Luật căn cước có quy định về người được cấp thẻ căn cước như sau:

1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Chính thức cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi từ 01/7/2024
Chính thức cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi từ 01/7/2024

Như vậy, theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Đồng thời, tại Điều 23 Luật Căn cước cũng quy định rõ trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Cụ thể, việc cấp thẻ này sẽ được phân thành hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, cấp thẻ căn cước đối với người dưới sáu tuổi. Trường hợp này người đại diện hợp pháp sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới sáu tuổi, thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Nếu người dưới sáu tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới sáu tuổi.

Trong trường hợp thông thường: Thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID.

Khi trẻ dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh trên Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID/trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Lưu ý: Đối tượng này không phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Trường hợp thứ hai, cấp thẻ căn cước cho người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi. Trường hợp này, người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học (bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt) theo quy định.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Trường hợp người dưới 14 tuổi bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục theo quy định. Đối tượng này đến trực tiếp cơ quan quản lý căn cước cùng với người đại diện hợp pháp để thực hiện các thủ tục thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Việc thực hiện thủ tục do người đại diện hợp pháp thực hiện.

Lưu ý: Đối tượng này phải thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Vì thẻ căn cước có rất nhiều giá trị sử dụng quan trọng và hữu ích với mỗi người nên  mỗi Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước:

1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính. Phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL căn cước và tiện ích của thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử. Ngoài ra, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi còn mang lại lợi ích xác thực thông tin cá nhân.

Thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống. Đồng thời, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật cao và còn có thể được tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hằng ngày.

Tâm Ngọc

Từ khóa: