Tương lai tiêu dùng Việt Nam thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh, cho biết, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Sáng 20/8, tại Hà Nội viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức buổi Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”. Diễn đàn có sự tham dự của các cơ quan Ban Ngành, Hiệp hội: Cục thương mại điện tử và kinh doanh số - Bộ Công thương; Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ công thương; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các công ty/ doanh nghiệp: Tiki, VNPAY, Moca, INTERSPACE, Nielsen Việt Nam, … và hơn 200 đại biểu cùng các cơ quan báo chí truyền thông.

Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”
Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”

Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ, đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Theo nhận định của Nielsen, đến năm 2020, 55% dân số Việt Nam hoàn toàn có khả năng truy cập internet. Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các Doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.

Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển sau về chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng giá trị của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mini là 27% trong khi Hàn Quốc và Philippines là 14%, Thái Lan và Malaysia là 5%... Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé máy bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%, …

Nhằm đưa ra các biện pháp chuyển mình nắm bắt cơ hội cho các doanh nghiệp để phù hợp với thị trường công nghệ mới, đồng thời nhận định về những tiện ích, rủi ro mà khuynh hướng tiêu dùng mới mang lại cho tương lai thanh toán không dùng tiền mặt và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp.

Diễn đàn tập trung làm rõ các tác động ảnh hướng tới khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam những năm gần đây cũng như trong đại dịch Covid -19 và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam; chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; thảo luận về tác động, thách thức và định hướng cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phù hợp với thị trường công nghệ mới…

Hoàng Nhung