Tuyên Quang: Phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng huyện vùng cao Lâm Bình phát triển

Nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang, Đảng bộ huyện Lâm Bình đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, huyện Lâm Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I. Huyện đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra với 15/16 tiêu chí.

Đây là tiền đề quan trọng để Lâm Bình tiếp tục gặt hái thành công, vững bước trên con đường phát triển, thắng lợi trong nhiệm kỳ mới.

Toàn cảnh khu trung tâm huyện Lâm Bình. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình)
Toàn cảnh khu trung tâm huyện Lâm Bình. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình)

Quyết liệt, đổi mới trong chỉ đạo

Để có hành động đúng cần nhận thức đúng, hiểu rõ điều này, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Lâm Bình đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những việc mới, việc khó, tăng cường đi cơ sở chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh. Đồng thời, đề cao trách nhiệm đảng viên, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách cơ sở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Kịp thời nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các cấp ủy Đảng quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, tự phê bình, phê bình nghiêm túc; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), chú trọng luân chuyển cán bộ về cơ sở. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy; hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên.

Trong nhiệm kỳ qua, huyện Lâm Bình đã thực hiện bổ nhiệm mới 215 cán bộ, bổ nhiệm lại 31 cán bộ, điều động 28 cán bộ cấp huyện, các trường học; luân chuyển 4 cán bộ lãnh đạo các cơ quan cấp huyện về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã; kiện toàn 7 cấp ủy viên huyện; 54 bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên cơ sở. Huyện đã hoàn thành bố trí, sắp xếp 8/8 Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương, thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; hợp nhất một số cơ quan, đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; sáp nhập 12 thôn bản, giảm từ 76 thôn xuống còn 70 thôn; sắp xếp, dồn ghép giảm 19 điểm trường; tinh giản 21 biên chế… bước đầu đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần tiết kiệm cho ngân sách.

Đột phá sau một nhiệm kỳ

Để lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 34a-NQ/HU ngày 29/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện đến năm 2020; Nghị quyết số 63-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai và Nghị quyết số 89-NQ/HU ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú.

Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp nhiều gia đình xây dựng được mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình)
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp nhiều gia đình xây dựng được mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình)

Cùng với đó, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện thực tế của địa phương. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Lâm Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong huyện khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng để phát triển kinh tế. Với sự thống nhất, đoàn kết, huyện Lâm Bình đã giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thực hiện thắng lợi 16/16 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đề ra, trong đó 15 chỉ tiêu vượt Nghị quyết. So với đầu nhiệm kỳ, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng và phát triển tương đối đồng đều ở tất cả các xã; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp được nâng lên; du lịch có nhiều khởi sắc và trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60,79% năm 2015 xuống còn 36,03% cuối năm 2019. Giải quyết việc làm cho trên 6.300 lao động, đạt 112,7% chỉ tiêu Nghị quyết; thu nhập bình quân đầu đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, đạt 113,2% chỉ tiêu Nghị quyết; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã từ năm 2017, sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra…

Hơn 10 năm kể từ khi được thành lập, có thể thấy Lâm Bình đã có nhiều thay đổi rõ rệt, huyện Lâm Bình ngày nay đã hoàn thành xây dựng nhà làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trường Trung học Phổ thông, Trun học Cơ sở nội trú huyện; 8/8 trụ sở xã được đầu tư xây dựng mới. Huyện kiên cố hóa 51,79 km kênh mương, đảm bảo trên 83% diện tích đất canh tác được tưới tiêu chủ động; bê tông hóa trên 15,35 km đường giao thông nội đồng; nâng tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn trên 70%; xây dựng 21/21 nhà văn hóa thôn, đảm bảo 100% thôn có nhà văn hóa; đầu tư điện lưới quốc gia vào 6 thôn, xây dựng gần 100 km đường điện chiếu sáng tại các khu dân cư… Toàn huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân từ 10 tiêu chí/xã năm 2015 lên 14,4 tiêu chí/xã năm 2020.

Đoàn viên, thanh niên xã Bình An giúp trường Tiểu học Bình An chỉnh trang khuôn viên điểm trường thôn Tân Hoa chào mừng đại hội.
Đoàn viên, thanh niên xã Bình An giúp trường Tiểu học Bình An chỉnh trang khuôn viên điểm trường thôn Tân Hoa chào mừng đại hội.

Thực hiện phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động hơn 70 tỷ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân sản xuất. Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai; xây dựng 11 sản phẩm Ocop; phát triển trên 230 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện bình quân đạt trên 400 tấn/năm.

Huyện đã hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: Duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480 ha cây lạc, phát triển trên 10 ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7 ha cây dược liệu. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 17.000 tấn, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Toàn huyện trồng mới trên 3.600 ha rừng, khai thác trên 1.200 ha rừng trồng, giao khoán trên 2.000 ha rừng phòng hộ cho 50 hộ gia đình bảo vệ kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, thu nhập bình quân trên 75 triệu đồng/hộ/năm. Trong nhiệm kỳ, huyện đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân từ 10 tiêu chí/xã năm 2015 lên 14,4 tiêu chí/xã năm 2020.

Công tác quản lý tài chính, tài sản của huyện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (tính theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt trên 530 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu Nghị quyết. Toàn huyện hiện có 32 doanh nghiệp tư nhân, 60 hợp tác xã; 350 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 550 cơ sở thương mại, dịch vụ. Thu ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt trên 18 tỷ đồng, vượt 20% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo việc làm, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được huyện quan tâm…

Đặc biệt, Lâm Bình là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch với việc khai thác tốt thế mạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, du lịch của Lâm Bình có nhiều khởi sắc, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Doanh thu xã hội khoảng 4 tỷ đồng năm 2015, trên 70 tỷ đồng năm 2019. Huyện đã tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn như: Phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực, các di tích, danh lam, thắng cảnh. Huyện xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng Homestay; du lịch sinh thái khu hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn...

Tuyên Quang: Phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng huyện vùng cao Lâm Bình phát triển - Ảnh 1
Huyện đã tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. (Ảnh: Minh Phụng)
Huyện đã tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. (Ảnh: Minh Phụng)

Bên cạnh đó, huyện đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài huyện phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch; sản xuất, chế tác quà lưu niệm, nuôi trồng cây, con đặc sản phục vụ du khách... Từ đó, khách du lịch đến huyện tăng nhanh, từ khoảng 10.000 lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch khoảng 4 tỷ đồng năm 2015 lên trên 120.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng năm 2019.

Đoàn kết, sáng tạo, phát triển

Nói về những bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ huyện Lâm Bình đã rút ra được sau nhiệm kỳ vừa qua. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Dưng Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: “Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong nhiệm kỳ vừa qua, BCH Đảng bộ huyện Lâm Bình rút ra một số kinh nghiệm: Thứ nhất là phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp toàn diện và tạo sự đồng thuận thống nhất trong cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; Thứ hai, để quan tâm xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và cấp huyện, cấp xã có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực trình độ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thứ ba: Việc xác định các nhiệm vụ, các mục tiêu phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân thì phải lựa chọn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Thứ tư: Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị phải luôn luôn chủ động, quyết liệt, không trông chờ, ỷ lại và tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp, cách làm hay, quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền về các mục tiêu, các nhiệm vụ chính trị của địa phương đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng nắm bắt đồng hành tổ chức thực hiện. Thứ năm: Trong quá trình tổ chức thực hiện phải làm tốt công tác kiểm tra giám sát để kịp thời phát huy những ưu điểm và phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế để uốn nắn, quan tâm làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên khích lệ cán bộ đảng viên thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.”

“Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu xây dựng Lâm Bình kinh tế phát triển, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, cảnh quan môi trường sạch, xanh, đẹp, an toàn sớm thoát khỏi huyện nghèo, trong nhiệm kỳ tới (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, sớm đưa Lâm Bình thoát khỏi nghèo. Theo đó, huyện Lâm Bình sẽ tập trung thực hiện 2 khâu đột phá: Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; Phát triển cây trồng vật nuôi có lợi thế của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với đó, thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất: Nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo; Thứ hai: Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng (Trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng du lịch); Thứ ba: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã có năng lực, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; Thứ tư: Củng cố tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở.”

Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tạ Thành