VDSC: Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng trong tháng 10/2020 nhưng thách thức vẫn còn phía trước

Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2020 tăng 12,2% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với mức tăng 16,6% của tháng 9 năm 2020 trong khi nhập khẩu tăng 9,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 12,6% của tháng trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng theo VDSC, thặng dư thương mại ở mức 2,94 tỷ USD so với 2,95 tỷ USD vào tháng 9 năm 2020 và kết quả trong 10 tháng 2020 đạt 19,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 8,9 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Xét theo sản phẩm, hàng công nghệ và máy móc vẫn là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, nhu cầu mùa vụ từ các đơn đặt hàng đồ chơi và đồ nội thất đang có dấu hiệu tăng mạnh. Ngoài ra, nhập khẩu vẫn đang được dẫn dắt bởi nhu cầu đối với hàng trung gian, đặc biệt đối với hàng trung gian cho sản phẩm công nghệ.

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Cũng theo báo cáo phân tích của VDSC, chúng tôi xin trích lược lại một số nội dung như sau:

Nhu cầu nước ngoài phục hồi kém do số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại

Theo thị trường, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Tăng trưởng xuất khẩu sang EU chững lại trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN tiếp tục giảm.

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 35,5% và 14,9% so với cùng kỳ trong tháng 10/2020 so với mức tăng 44,2% và 19,3% so với cùng kỳ trong tháng trước.

Xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng nhưng tăng trưởng giảm xuống 3,0% so với cùng kỳ vào tháng 10/2020 từ mức 7,6% so với cùng kỳ vào tháng 9/2020. Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt 15,6% và 5,0% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu sang ASEAN giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ so với mức tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ trong tháng 9/2020. VDSC cho rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế có thể bị đình trệ do sự bùng phát gần đây của dịch COVID-19 ở Mỹ và EU.

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 5,0% so với cùng kỳ vào năm 2020

Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu gia tốc từ 3,9% so với cùng kỳ trong 9 tháng trước lên 4,9% so với cùng kỳ trong 10T2020 nhưng nhập khẩu hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

VDSC kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi yếu sẽ khiến xuất khẩu cả năm tăng trưởng khoảng 5,0% trong khi nhu cầu nội địa cải thiện có thể thúc đẩy tăng trưởng nhập khẩu lên khoảng 1,0% vào năm 2020. Do đó, thặng dư thương mại ước tính đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2020, cao hơn gấp đôi mức thặng dư của năm ngoái.

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Chính sách thương mại dưới thời chính quyền của Biden

Sau cuộc đấu căng thẳng trong cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã giành chiến thắng trước Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và được bầu làm Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Dưới thời chính quyền của Biden, nhiều chuyên gia kỳ vọng vào khả năng dễ dự đoán và tính nhất quán trong chính sách của Hoa Kỳ.

VDSC nhận thấy sự đồng thuận rằng ông Biden sẽ không làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều quốc gia trong khối ASEAN hy vọng rằng dưới thời của Joe Biden, Mỹ sẽ tái gắn kết chặt chẽ hơn với khu vực này. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu ông Biden có tham gia lại hiệp định TPP, vốn được đổi tên thành CPTPP hay không. Tuy nhiên, đây dường như không phải là ưu tiên hàng đầu vì Tổng thống đắc cử còn nhiều cuộc chiến khác phía trước bao gồm cả đại dịch và phục hồi kinh tế. Nhìn chung, VDSC cho rằng Việt Nam nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là thách thức dưới thời chính quyền của Biden để thúc đẩy chính sách thương mại và tỷ giá hối đoái bền vững hơn.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành