Xuất khẩu chè giảm cả lượng và trị giá trong tháng 5

Trong tháng 5/2020 xuất khẩu chè đạt 10 nghìn tấn, trị giá 17 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với tháng 5/2019. Trong thời gian tới dự kiến sẽ thiếu nguồn cung chè trên thị trường thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất chè của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong tháng 5/2020 xuất khẩu chè đạt 10 nghìn tấn, trị giá 17 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với tháng 5/2019. Giá xuất khẩu mặt hàng chè trong tháng 5/2020 bình quân đạt 1.674,8 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 46 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè sang thị trường Pa-ki-xtan đạt 9,2 nghìn tấn, trị giá 16,9 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Pa-ki-xtan đạt 1.836,3 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu chè giảm cả lượng và trị giá trong tháng 5  - Ảnh 1

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, nhưng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Nga, In-đô-nê-xi-a, Hoa Kỳ, Các TVQ Ả rập Thống nhất tăng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu chè sang thị trường Nga đạt 5,1 nghìn tấn, trị giá 7,88 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu chè sang In-đô-nê-xi-a đạt 4,39 nghìn tấn, trị giá 3,86 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng 36,9% về trị giá; Hoa Kỳ đạt 2,12 nghìn tấn, trị giá 2,66 triệu USD, tăng 36,4% về lượng và tăng 36,6% về trị giá; Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất đạt 940 tấn, trị giá 1,43 triệu USD, tăng 224,1% về lượng và tăng 200,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, xuất khẩu chè sang các thị trường Đài Loan, Irắc, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Ả Rập Xê-út giảm cả về lượng và trị giá trong 4 tháng đầu năm 2020. Cụ thể:

Tại thị trường Đài Loan 4 tháng đầu năm 2020 đạt 4,39 nghìn tấn trị giá 6,64 triệu USD, giảm 9,6% về lượng và giảm 8,2% về trị giá, chiếm 12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước.

Xuất khẩu chè giảm cả lượng và trị giá trong tháng 5  - Ảnh 2

Tiếp theo là thị trường Mỹ, chiếm 5,8% tổng kim ngạch nhập khẩu chè của cả nước. Tính chung sản lượng 4 tháng đầu năm đạt 2,12 nghìn tấn, trị giá 2,66 triệu USD, chiếm 36,4% về lượng và chiếm 36,6% về trị giá.

Hiện Việt Nam có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới. Cụ thể, với diện tích 116.633 ha, năng suất đạt 23,15 tạ khô/ha, sản lượng chè đạt 270 tấn/năm. Nếu tính từ giai đoạn 1961 đến nay, sản lượng sản lượng chè liên tục tăng mạnh và gấp 90 lần. Sự phát triển mạnh mẽ của cây chè và ngành sản xuất chè đặt ra yêu cầu mới với những thách thức mới.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện nay trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 0,47 kg/chè/năm thì sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 45.000 tấn chè xanh. Đặc biệt, giá chè tiêu thụ trong nước hiện có giá bình quân từ 8 - 10 USD/kg. Mức giá này cao gấp 5 lần so với giá chè xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho người làm chè nội tiêu.

Giá chè xuất khẩu của Việt Nam khoảng 1,7 USD/kg, đang ở mức thấp so với chè Trung Quốc (4,5 USD/kg). Cơ cấu chè xuất khẩu nhiều nhất hiện nay vẫn là chè đen chiếm tới 42%, chè xanh 39%... Chè chất lượng cao xuất khẩu chỉ chiếm một phần nhỏ. 

Trong thời gian tới dự kiến sẽ thiếu nguồn cung chè trên thị trường thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất chè của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè.

Hồng Anh