Xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 1 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng cả năm 2024 có thể đạt 6,5 - 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 2,68 tỷ USD tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; Lâm sản 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; Thủy sản 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; Chăn nuôi 78 triệu USD, tăng 15,1%; Đầu vào sản xuất 309 triệu USD, tăng 13,6%.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị XK cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Sản phẩm gỗ 1,68 tỷ USD (tăng 59%); Cà phê 1,38 tỷ USD (tăng 85%); Rau, quả 970 triệu USD (tăng 72,8%); Gạo 708 triệu USD (tăng 49,8%); Hạt điều 595 triệu USD (tăng 68,2%); Tôm 403 triệu USD (tăng 20,5%). Riêng cá tra 224 triệu USD (giảm 0,7%).

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng cả năm 2024 có thể đạt 6,5- 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6 tỷ USD…

Xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 1 tỷ USD - Ảnh 1

Chia sẻ về XK rau quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 2 tháng đầu năm, kim ngạch XK mặt hàng này đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Đây là tiền đề để ngành rau, quả hoàn thành được mục tiêu trên 5 tỷ USD trong năm nay.

Chia sẻ về tiềm năng XK nông sản Việt Nam, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu, quy mô và tỉ suất hàng hóa chưa đáp ứng được những tiềm năng, lợi thế hiện có, chưa khai thông được thị trường. “Đã có kết quả tích cực nhưng để "giải phóng" tiềm năng nông sản, vẫn cần phải dành nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa” - Thứ trưởng khẳng định.

Nhấn mạnh nông sản Việt Nam đã vào được một số thị trường khó tính, lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý, các khu vực, quốc gia trên thế giới đều có bảo hộ sản xuất trong nước. “Điều đó cho thấy, việc cập nhật yêu cầu của từng thị trường rất quan trọng. Những cập nhật đó là tiền đề để ngành Nông nghiệp tái cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, đáp ứng được tín hiệu của các thị trường”, ông Tiến lưu ý.

Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho rằng xuất khẩu rau quả trong năm 2024 mặc dù có một số khó khăn, nhưng vẫn rất nhiều thuận lợi. Cụ thể, tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… trái cây của Việt Nam có chất lượng tốt, mang hương vị riêng, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực.

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong năm 2023, chủng loại quả đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là trái sầu riêng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Năm 2023, với sản lượng xuất khẩu hơn 500.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.

2 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt vẫn đang "một mình một chợ" tại thị trường Trung Quốc, bởi hiện không phải là mua thu hoạch trái sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia. Tại Việt Nam, sầu riêng trái vụ được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, trong đó Tiền Giang có diện tích lớn nhất, nên thời điểm này vẫn có sầu riêng thu hoạch và xuât khẩu.

Theo các hệ thống khảo sát giá cả hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 5/3/2024, giá trái sầu riêng Ri6 loại đẹp được chọn lựa tai Miền Tây Nam Bộ ở mức 138.000 – 142.000 đồng/kg; tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ở mức 135.000 – 140.000 đồng/kg; Sầu riêng Ri6 mua xô ở Miền Tây Nam Bộ là 120.000 – 123.000 đồng/kg; tại Tây Nguyên là 115.000 – 120.000. đồng/kg.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có trên 131.000 ha sầu riêng được trồng ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Tây. Với giá bán trái sầu riêng tại vườn trong năm 2023 từ 70.000 đồng – 150.000 đồng/kg, nông dân trồng sầu riêng đạt lợi nhuận bình quân trên 1,5 tỷ đồng/ha, cao hơn 526 triệu đồng/ha so với năm 2022.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, với 876 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp. Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. 

Theo dự báo của ông Đặng Phúc Nguyên, với các Nghị định thư đã được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng sẽ mang về 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Hương Trà

Từ khóa: