Xuất khẩu tôm kỳ vọng phục hồi trong quý II/2024

Tuy gặp nhiều khó khăn, song ngành tôm có những dấu hiệu tích cực trong những tháng đầu năm, kỳ vọng phục hồi trong quý II/2024.

Theo số liệu mới công bố từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm trong quý I có những tín hiệu tích cực khi tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 691 triệu USD. Trong đó riêng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ và Mỹ cũng ghi nhận mức tăng 15%. Đây được xem là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất và có sức hút lớn đối với ngành tôm Việt Nam trong quý I

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết, "Kết quả hoạt động ngành tôm ở quý I/2024 có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc".

Xuất khẩu tôm kỳ vọng phục hồi trong quý II/2024  - Ảnh 1

Đối với Trung Quốc, VASEP cho biết nhu cầu nhập khẩu  tôm của thị trường này trong những tháng đầu năm nay khá cao.

Cụ thể, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm trong tháng 1 để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán, lượng nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, giảm và tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, tháng 2, tôm Việt vào Trung Quốc tăng 22% về khối lượng và tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, trong khi Ecuador giảm 24% về khối lượng và giảm 35% về giá trị so với cùng kỳ.

Tôm Ecuador xuất sang Trung Quốc giảm trong tháng 2 một phần do quốc gia này tăng cường kiểm tra cảng, đặc biệt là các quy định về nhãn mác và dư lượng chất sulfite.

Căng thẳng biển Đỏ làm cước vận tải biển tăng, Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm từ Ecuador nói riêng và khu vực châu Mỹ, châu Âu nói chung và chuyển sang nhập hàng từ những thị trường gần như Việt Nam.

Tại thị trường này, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ tuy nhiên nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, cho thấy dung lượng lớn của thị trường gần này. Doanh nghiệp Việt cũng có chiến lược tập trung bán vào Trung Quốc những mặt hàng tôm mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng.

Còn với thị trường Mỹ, VASEP cho biết giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.

Hiệp hội này cũng dự báo doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.

So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.

Ngoài ra, ngành tôm đang đón nhận những tín hiệu tích cực khi các đối thủ lớn như Ấn Độ và Ecuador đang bị cảnh báo về kháng sinh, phụ gia vượt mức cho phép và vấn đề lao động.

Ngày 27/3, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho biết tổng cộng 43 lô tôm Ecuador đã bị từ chối trong 2 tháng đầu năm nay, chủ yếu do hàm lượng sulfite vượt mức cho phép. Trong số 43 container bị từ chối từ Ecuador, có 34 container là do sử dụng quá nhiều phụ gia thực phẩm. Đồng thời, những trường hợp bị từ chối còn lại được cho là do hồ sơ không thống nhất, "nitơ cơ bản dễ bay hơi" quá mức hoặc bệnh động vật. Điều này khiến cho nguồn cung từ Ecuador tại Trung Quốc giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. 

Bên cạnh những tính hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu cũng đang có dấu hiệu khởi sắc. Giá tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu của Việt Nam kể từ tháng 1 năm nay có xu hướng tăng dần mặc dù vẫn chưa phục hồi trở lại mức giá của cùng kỳ năm ngoái. 

Theo dữ liệu từ Wichart, giá tôm thẻ chân trắng trung bình tính đến ngày 9/4 khoảng 104.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Giá tôm sú khoảng 225.000 đồng/kg, tăng 48% so với mức đáy thiết lập hồi tháng 10/2023.

Ngành tôm có những dấu hiệu tích cực trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế chống trợ cấp đang đặt ra những thách thức đối với ngành này. Thông tin từ VASEP, vào ngày 26/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, ba trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ có thể sẽ buộc phải đặt cọc thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ dao động từ 2% -196%.

Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.

OOng Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, cho rằng việc Mỹ áp thuế chống trợ cấp vừa qua là cơ hội tốt cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador vẫn còn mối lo lớn của ngành tôm Việt Nam bởi giá bán của các nước này thấp. 

Còn theo Chủ tịch Sao Ta: "Mức thuế này thấp hơn so mức thuế tương ứng từ ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng lại là lực cản không nhỏ vì lâm vào vụ kiện tranh chấp thương mại ở Mỹ là vướng vào một tình huống phức tạp và khả năng kéo dài và rủi ro vô chừng. Tuy nhiên, chúng ta còn chút niềm tin khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ. Nếu ngược lại, thì lối dẫn tôm Việt vào đây càng thu hẹp".

Cũng theo ông Lực, một bất lợi chủ quan nữa là giá thành tôm Việt Nam quá cao, một phần do tỷ lệ nuôi thành công của tôm Việt quá thấp. Nguyên nhân nằm ở chất lượng tôm giống, quy trình nuôi, quy mô nuôi nhỏ lẻ đầy bất lợi, người nuôi thiếu vốn trầm trọng.

Bên cạnh đó, việc nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi và các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch nuôi thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau. Khó khăn mới đây là con giống đứng trước thách thức nhiễm khuẩn mới, chưa có phác đồ phòng chống hiệu quả.

Hương Trà (t/h)

Từ khóa: