Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Doanh thu 6T- 2020 giảm 55,5% YoY, đạt 242 tỷ đồng do tác động của dịch Covid-19 khiến các chuyến bay thương mại quốc tế bị hoãn lại.
AST đã đóng cửa tất cả các cửa hàng bán lẻ của mình vào tháng 4. Cho đến tháng 6, các cửa hàng tại các nhà ga quốc tế vẫn đóng cửa do chính sách hạn chế nhập cảnh của Chính phủ Việt Nam.
Mặc dù chi phí bán hàng và QLDN giảm 30% YoY (chủ yếu nhờ cắt giảm 49% tổng số nhân viên so với cuối 2019 và chi phí thuê mặt bằng giảm khoảng 36% YoY), điều này không thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh của doanh thu, khiến lợi nhuận hoạt động lỗ 12 tỷ đồng.
Nhờ thu nhập lãi tiền gửi khoảng 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6T-2020 của AST đạt mức dương với khoảng 0,5 tỷ đồng.
Chúng tôi xin trích lại báo cáo phân tích của VDSC như sau:
Chi phí thuê mặt bằng giảm nhờ một số cửa hàng có đặc thù chi phí thuê tính theo tỷ lệ doanh thu (revenue-sharing). Chi phí thuê ước tính tại các cửa hàng này chiếm khoảng 12-15% tổng doanh thu của các cửa hàng, tùy thuộc vào sân bay.
Đại diện của AST chia sẻ rằng chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng tại sân bay Đà Nẵng đều là loại chi phí revenue-sharing, nhờ đó giúp giảm chi phí thuê mặt bằng của AST khoảng 74,1%YoY trong Q2-2020 khi Đà Nẵng trở thành trung tâm của làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Việt Nam.
Đối với dịch vụ suất ăn hàng không của công ty LDLK với AST là VINACS, trong 6T-2020 VINACS lỗ ròng 14 tỷ đồng so với mức lãi 26 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái do các chuyến bay bị tạm dừng. VINACS dự kiến xây nhà máy mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng trong 2021, tuy nhiên kế hoạch có thể bị hoãn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.
Thu nhập lãi tiền gửi giúp giảm thiểu một phần việc thua lỗ từ hoạt động cốt lõi. AST có trên 200 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và hiện tại chưa có kế hoạch đầu tư cụ thể. Trong 6T-2020, AST đã ghi nhận 10 tỷ đồng thu nhập lãi. Ước tính trong 2020, AST sẽ thu về khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn tiền gửi này.
Kết quả Q3-2020 nhiều khả năng xấu hơn Q2-2020 do Đợt bùng phát dịch bệnh lần 2 tại Đà Nẵng
Đợt bùng phát lần 2 gây thiệt hại lớn cho AST vì sân bay Đà Nẵng là thị trường chính, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu - khoảng 40%. Đại diện của AST chia sẻ rằng sức mua của hành khách nội địa thường thấp hơn khách quốc tế, và sức mua đã giảm rất lớn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Việc mở mới các cửa hàng chậm lại do đại dịch. Tính đến 30/09/2020, AST đã mở bốn cửa hàng bán lẻ mới so với cuối năm ngoái, đạt 96 cửa hàng tại 7 sân bay lớn nhất Việt Nam. Bốn cửa hàng mới bao gồm: hai cửa hàng thức ăn nhanh tại nhà ga nội địa của sân bay Cam Ranh và Tân Sơn Nhất, một nhà hàng và một phòng chờ VIP tại nhà ga nội địa của sân bay Nội Bài. Ngoài ra, AST có khoảng 40 cửa hàng tại các nhà ga quốc tế, chiếm khoảng 50% tổng số cửa hàng, trong số đó chủ yếu tạm thời đóng cửa. Thông thường, doanh thu từ các nhà ga quốc tế chiếm khoảng 60% doanh thu bán lẻ.
AST sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ mặc dù đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Chiến lược của AST trong tương lai sẽ mở các cửa hàng bán lẻ mới chủ yếu tập trung tại Tân Sơn Nhất và Phú Quốc. AST cũng có kế hoạch mở rộng sang một số sân bay như sân bay Cát Bi, Phù Cát, Tuy Hòa. AST sẽ nhập khẩu hàng hóa độc quyền từ Nhật Bản và Hàn Quốc để đa dạng hóa việc cung cấp hàng hóa cũng như phát triển thương hiệu riêng của mình.
Trong khi đó, đối cửa hàng bán lẻ miễn thuế, AST có kế hoạch mở mới một cửa hàng 76m2 tại Phú Quốc vào năm 2020 và một cửa hàng miễn thuế tại Tân Sơn Nhất vào năm 2021, tuy nhiên tiến độ phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.
Đối với mảng kinh doanh cho thuê quảng cáo, hiện tại AST đang cho thuê 208 biển quảng cáo, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng (chiếm 60%) và Nội Bài (chiếm 32%).
Triển vọng
Hành khách quốc tế qua các sân bay Của Việt Nam trong năm tài chính 2020 ước tính sẽ sụt giảm mạnh so với năm ngoái, đạt khoảng 7 triệu khách (-82,8% YoY).
Trong khi đó, hành khách nội địa dự kiến đạt 54 triệu khách (-27,1% YoY). Ước tính vào tháng 9-2020, lượng hành khách quốc tế qua các cảng hàng không Việt Nam vẫn ở mức thấp, khoảng 40 nghìn lượt hành khách (-98,8% YoY). Lũy kế 9T-2020, ước tính lượng khách quốc tế và khách nội địa giảm lần lượt 77,3% và 29,4%. Các chuyến bay thương mại thường lệ vào Việt Nam, ngoại trừ Hàn Quốc, vẫn chưa thể triển khai do cần thống nhất về các điều kiện và thủ tục liên quan đến vấn đề kiểm dịch và nhập cảnh giữa Việt Nam và các nước.
Do đó, VDSC ước tính tổng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam trong 2020 sẽ giảm khoảng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành