Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025): Mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới của Thủ đô Hà Nội

Sau 3 ngày (11/10 đến 13/10) làm việc nghiêm túc, trí tuệ, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Kết quả này là nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học về xây dựng các văn kiện trình Đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự và tổ chức - phục vụ.

Chuẩn bị công phu, nghiêm túc và bám sát thực tiễn

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề: "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".

Trong phiên bế mạc diễn ra chiều 13-10, 497/497 đại biểu chính thức đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Để những quyết sách đạt được sự đồng thuận tuyệt đối như vậy, Thành ủy Hà Nội đã có quá trình chuẩn bị văn kiện rất công phu, nghiêm túc với nhiều đổi mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì thực tế cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết. Nếu cuộc sống không có trong Nghị quyết hay Nghị quyết sai lệch thì không thể đưa vào cuộc sống. Vì thế, từng chỉ tiêu được nêu trong Báo cáo chính trị đã được cân nhắc trên cơ sở khoa học và bám sát thực tiễn đời sống.

Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: Báo cáo chính trị được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai từ năm 2018. Thành ủy đã tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến, được hàng trăm đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trung ương và thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, chủ doanh nghiệp góp ý. Đại hội của 50 đảng bộ trực thuộc, đông đảo cán bộ và nhân dân qua hệ thống báo chí Thủ đô cũng đã góp phần xây dựng Báo cáo chính trị với 6.672 lượt ý kiến. Thành ủy Hà Nội còn trực tiếp làm việc với Ban Cán sự đảng 8 bộ để làm rõ đường hướng phát triển những lĩnh vực liên quan. Đặc biệt, để hoàn thiện Báo cáo chính trị, văn bản quan trọng này còn được xin ý kiến Bộ Chính trị. Ngay trong Đại hội, hơn 60 tham luận tiếp tục củng cố thêm chất lượng của văn bản quan trọng này.

Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025): Mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1

Đáng lưu ý, Hà Nội đã bám sát dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là về tầm nhìn đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện... Tiếp thu tinh thần đó, trong văn kiện Đại hội, Hà Nội xác định rõ ngay từ đầu là phát triển không chỉ cho riêng mình, mà còn phải có trách nhiệm với cả nước. Do đó, “gương mẫu” chính là yêu cầu đầu tiên đặt ra trong chủ đề Đại hội.

Thực hiện đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội

Bằng tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, Đại hội đã quyết nghị mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD...

Nghị quyết Đại hội nêu rõ 20 chỉ tiêu, 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cao đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm lớn của toàn Đảng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiêu biểu là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 phải đạt 7,5-8%.

Trên cơ sở 8 chương trình công tác khóa trước, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa XVII ngay trong quý I-2021. Đặc biệt, trong 10 chương trình, có 3 chương trình hoàn toàn mới nhằm tập trung phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII và cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị cần bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội. Nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ 2020-2025 là rất to lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, hành động quyết liệt; tuyệt đối không thỏa mãn với thành tích đã đạt được.

Tinh thần chỉ đạo từ Đại hội đã lan tỏa, được cán bộ và nhân dân Thủ đô phấn khởi hưởng ứng. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân Thủ đô quyết vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, cụ thể hóa quyết tâm của Đại hội, cán bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ sẽ phấn đấu xây dựng thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, trở thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống...

Theo Hà Nội mới