Phân tích cổ phiếu đáng quan tâm ngày 2/9

Độ rộng thị trường là tích cực với 408 mã tăng, 117 mã tham chiếu, 217 mã giảm. Nhóm cổ phiếu trụ cột thu hút được dòng tiền và phần lớn đều tăng giá, có thể kể đến như VIC (+3%), VNM (+1,8%), GAS (+1,8%), BID (+1,1%), CTG (+1,8%), TCB (+1,9%), VJC (+2,4%), GVR (+2,5%), BVH (+3,2%), HVN (+3,1%)... Ở chiều ngược lại, chỉ có một số trụ cột là giảm giá nên không ảnh hưởng nhiều đến đà tăng của chỉ số như SAB (-0,8%), NVL (-1,3%), MSN (-0,7%), CTD (-1,6%), DHG (-0,7%)... Trên sàn HNX, các trụ cột như THD (+9,9%), SHB (+1,4%), PVS (+1,6%)... tăng giúp chỉ số HNX-Index lấy lại ngưỡng 125 điểm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 2/9 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:

Cổ phiếu VGT: Tích lũy

Theo BSC, VGT đang xác lập lại ngưỡng hỗ trợ tại ngưỡng giá 8.0. Thanh khoản cổ phiếu đã duy trì tại ngưỡng trung bình 20 phiên trong các phiên giao dịch gần nhất.

Chỉ báo RSI đang cho thấy nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong khi chỉ báo MACD đang chỉ đến xu hướng tích lũy. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung hạn tư có thể mở vị thế ở mốc giá 8.0 và chốt lãi quanh ngưỡng giá 9.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 7.5.

KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu HPG

Kết thúc phiên giao dịch 2/9, cổ phiếu HPG tăng 1% lên 24,800 VNĐ/cp.

Theo KBSV, HPG mới công bố tình hình kinh doanh tháng 8 với sản lượng thép xây dựng thành phẩm cung cấp ra thị trường đạt 320,000 tấn (+65% YoY). Trong đó bao gồm xuất khẩu 54,000 tấn (gấp 3 lần cùng kỳ). Thị trường trong nước ghi nhận tăng trưởng mạnh ở khu vực miền Nam, đạt 76,000 tấn (gấp hơn 2 lần cùng kỳ).

Bên cạnh thép thành phẩm, Hòa Phát đã ký hợp đồng bán 1.5 triệu tấn phôi thép cho thị trường trong và ngoài nước, giao hàng tới tháng 11.

MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu BSR

MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 12 tháng 8.300 đồng. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 7,6 lần (theo EPS dự phóng 2021 khoảng 1.091 đồng).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của công ty bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 và giá dầu giảm với mức 4.252 tỷ đồng lỗ trước thuế. Chúng tôi dự phóng hoạt động trong 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn, đưa doanh thu và lợi nhuận cả năm 2020 ở mức 55,271 tỷ đồng và – 3,690 tỷ đồng.

Đến năm 2021, dựa trên sản lượng sản xuất và kinh doanh là 6,90-6,95 triệu tấn, giá dầu Brent đạt trung bình từ 50-52 USD/thùng, doanh thu và lợi nhuận dự báo đạt mức 83.150 tỷ đồng và 3.562 tỷ đồng.

Theo thông tin từ công ty, công suất vận hành trung bình của Nhà máy trong 6 tháng đầu năm là 105%, sản lượng sản xuất trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3,45 triệu tấn sản phẩm các loại, sản lượng tiêu thụ đạt 3,43 triệu tấn, hoàn thành 108% kế hoạch cả năm.

Tổng khối lượng dầu thô mua trong 6 tháng đầu năm đạt 27,63 triệu thùng, trong đó tỷ lệ dầu thô trong nước chiếm 59%, dầu thô nhập khẩu chiếm 41%.

Theo chia sẻ từ công ty, trong tháng 4, giá dầu sụt giảm mạnh nên công ty tiếp tục bị thua lỗ lớn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 31.727 tỷ đồng, bằng 62,3% cùng kỳ năm trước. Lỗ gộp lên đến 3.869 tỷ đồng so với mức lãi 1.297 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt -4.252 tỷ đồng và -4.255 tỷ đồng.

Sau thời gian gặp khó khăn do dịch Covid-19 và giá dầu giảm, từ đầu tháng 5, tình hình tiêu thụ sản phẩm đã phục hồi tốt hơn cùng với giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng lên theo giá dầu thế giới, công ty đã lỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bán hàng bán hàng. Tính riêng trong tháng 6/2020, hoạt động kinh doanh đã có lãi trở lại với với lợi nhuận sau thuế đạt 1.405 tỷ đồng.

Hiện tại công ty đang trong giai đoạn dừng sản xuất đề thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 4, thời gian thực hiện dự kiến khoảng 52 ngày, do đó, chúng tôi dự báo sản lượng sản xuất và kinh doanh cho nửa cuối năm 2020 ở mức 2,35 triệu tấn sản phẩm các loại, lũy kế cả năm 2020, sản lượng sản xuất kinh doanh đạt mức từ 5,75-5,80 triệu tấn.

Với giả định giá dầu Brent tiếp tục tăng lên, đưa mức giá trung bình cả năm 2020 đạt 40-42 USD/thùng, doanh thu 6 tháng cuối năm 2020 có thể đạt mức 23.544 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 562 tỷ đồng. Lũy kế cả năm doanh thu dự báo đạt 55.271 tỷ đồng, bằng 53,8% của năm 2019, mức lỗ trước thuế ước giảm còn 3.670 tỷ đồng.

MBS đánh giá hoạt động của công ty sẽ tăng trưởng khả quan dựa trên cơ sở là dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội tăng trưởng trở lại và sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng lên. Trong khi đó, năng lực sản xuất của công ty được cải thiện khi nhà máy đã được bảo dưỡng tổng thể sẽ tiếp tục hoạt động an toàn, ổn định và gia tăng hiệu quả.

Theo MBS dự báo, sản lượng sản xuất kinh doanh cả năm dự báo đạt mức tối đa với 6,90-6,95 triệu tấn, trong khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt mức 83.150 tỷ và 3.562 tỷ đồng (với giả thiết dầu Brent đạt mức trung bình 50-52 usd/thùng trong năm 2021).

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tú Thành