Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh cách trung tâm Thành phố Sơn La khoảng 103km. Có diện tích đất tự nhiên là 164.616 ha. Dân số trên 133.000 người, có 9 dân tộc anh em cùng chung sống (Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun, Khơ Mú, Kháng, Mường, Lào, Tày), trong đó dân tộc Thái chiếm trên 58%. Mật độ dân số bình quân 78 người/km2.
Huyện có địa hình bị chia cắt mạnh và phức tạp, có độ cao trung bình 600 m so với mặt biển. Huyện nằm trên khối núi giữa Thuận Châu và Sốp Cộp và dãy núi biên giới Việt - Lào, dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam địa hình chia cắt phức tạp, có nhiều dãy núi cao tạo nên hình khe suối khá sâu và hẹp, cố độ cao trung bình từ 1.000 m đến 1.500 m.
Song với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, nhiệm kỳ vừa qua, Sông Mã đã đạt được mục tiêu “đưa Sông Mã ra khỏi tình trạng huyện khó khăn của tỉnh”.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, Sông Mã đã đạt được một số kết quả tích cực, có 28/30 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đại hội đề ra.
Xác định xây dựng Đảng là khâu then chốt, Đảng bộ huyện Sông Mã luôn chú trọng, làm tốt; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở Đảng bộ huyện Sông Mã đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Đảng bộ huyện đã chú trọng củng cố các cơ sở đảng yếu kém, tăng cường phát triển đảng viên ở cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, nơi có ít đảng viên và chưa có chi bộ, chưa có đảng viên, trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.
Trong nhiệm kỳ, kết nạp 1.142 đảng viên, đạt 142,7% chỉ tiêu Nghị quyết đại hội, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 7.103 đồng chí, đến nay 100% thôn bản đã có chi bộ.
Công tác củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai theo quy định. Sau sắp xếp đã giảm 19 chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện; giảm 3 đơn vị sự nghiệp nông nghiệp; giảm 2 đơn vị sự nghiệp văn hóa; giảm 19 đơn vị trường học; giảm 1 ban quản lý dự án; giải thể Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện; giảm 52 bản, 7 tổ dân phố. Hiện nay Đảng bộ huyện còn 36 chi, đảng bộ cơ sở.
Sức bật nơi huyện vùng cao
Trong lĩnh vực kinh tế tiếp tục được duy trì ở tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng. Các tiềm năng lợi thế của địa phương được khai thác hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 35 triệu đồng/ năm. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 442 nghìn tấn, lương thực bình quân đầu người năm 2020 đạt 443 kg/người/năm. Tổng thu ngân sách đạt 4.452,6 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn huyện đạt 502,2 tỷ đồng, bằng 228,2% so với chỉ tiêu Đại hội, tăng bình quân 11,4%/năm.
Phát huy tiềm năng lợi thế, điều kiện tự nhiên 5 năm qua huyện Sông Mã đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện nay toàn huyện có 9.435 ha cây ăn quả, trong đó có 7.010 ha nhãn, diện tích nhãn cho thu hoạch 4.400 ha, sản lượng ước đạt trên 4.400 tấn. Sông Mã đã trở thành địa phương có diện tích nhãn lớn nhất của Tỉnh Sơn La. Sản phẩm nhãn được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã” và đã xuất khẩu ra nước ngoài. Đã có 31 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tạo được 31 chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm trong nước và chú trọng, quan tâm xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện.
Chăn nuôi tiếp tục được quan tâm phát triển, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ tiếp tục được nhân rộng. Đàn gia súc ước đạt trên 168,4 nghìn con, tổng đàn gia cầm đạt trên 1,1 triệu con. Duy trì, nâng cao hiệu quả 421 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 4,3 nghìn tấn, đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của huyện.
Trong giai đoạn 2015- 2020 được sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh, đã có 373 công trình được đầu tư xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 891.551,7 triệu đồng; 17/19 xã, thị trấn đã có trụ sở làm việc kiên cố; 18/18 xã có đường giao thông đi lại được 4 mùa. Các dự án được đầu tư triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ luôn được triển, thực hiện có hiệu quả với tổng diện tích là 21.965,35 ha; đã cấp 22.816 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 20.028 hộ gia đình, cá nhân và hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng.
Bám sát đặc điểm địa bàn, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Huyện Sông Mã đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; bố trí vốn đầu tư theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho các xã, bản đặc biệt khó khăn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.440 tỷ đồng, đạt 128,8% chỉ tiêu đại hội; đến nay, 17/19 xã, thị trấn đã có trụ sở làm việc kiên cố; 18/18 xã có đường giao thông đi lại được 4 mùa (đạt 100% chỉ tiêu Đại hội). Trong 5 năm đã hoàn thành 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chiềng Khương, Chiềng Sơ, tăng 1 xã so với chỉ tiêu Đại hội), 9 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 7 xã đạt 6 - 9 tiêu chí. Hoàn thành 267 tuyến đường giao thông nội bản, liên bản với tổng chiều dài 79,4km. Lũy kế đến nay đã triển khai thi công được 425 tuyến, chiều dài 125,1 km, đạt 16,9%, đạt 42% so với chỉ tiêu Đại hội.
Kinh tế phát triển đã tạo nguồn lực giúp sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về quy mô, loại hình, số lượng trường lớp, chất lượng dạy và học. Các xã, thị trấn duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Xây dựng thêm 26 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 16 trường so với chỉ tiêu Đại hội, đến nay toàn huyện có 39/53 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Duy trì tốt việc nấu ăn cho học sinh bán trú ở 31 đơn vị trường học với 7.053 học sinh. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Các xã, thị trấn duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Xây dựng thêm 26 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 16 trường so với chỉ tiêu Đại hội, đến nay toàn huyện có 39/53 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Duy trì tốt việc nấu ăn cho học sinh bán trú ở 31 đơn vị trường học với 7.053 học sinh. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách dân tộc, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo. Đã hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ cho 1.165 đối tượng người có công với cách mạng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,42%/ năm. Hoàn thành việc chi trả chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ với tổng số tiền chi trả là 60.109 triệu đồng.
Công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn huyện có 13/19 xã, thị trấn thực hiện mô hình bộ phận ” tiếp nhận và trả kết quả liên thông hiện đại”, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và cá nhân. Trong nhiệm kỳ đã tiếp nhận và giải quyết trên 524.000 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết sớm và đúng hạn đạt trên 98%. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, triển khai nghiêm túc. Đã thực hiện 40 cuộc thanh tra hành chính và 3 cuộc thanh tra chuyên đề, qua thanh tra đã xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm và ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế xã hội phát triển. Triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân tham gia chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự” tại 9 xã, 27 bản. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. 100% cơ quan, đơn vị; 38% bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn không có ma túy. Bên cạnh đó quan hệ hợp tác với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được duy trì, đảm bảo yêu cầu chính trị, đối ngoại, an ninh biên giới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Sông Mã, tin tưởng đồng bào các dân tộc trong huyện sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả hơn nữa trên con đường xây dựng huyện Sông Mã trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tạ Thành