Thừa Thiên Huế: Tổng rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch số 311/KH-UBND về tổng rà soát, kiểm tra an toàn trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.

Theo kế hoạch, đối tượng rà soát, kiểm tra là các cơ sở chung cư, cư xá, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn còn tồn tại, vi phạm về PCCC đang hoạt động; các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP nhưng chưa được kiểm tra, quản lý theo quy định.

Tháng 5/2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ công trình Cư xá Vỹ Dạ ở phường Vỹ Dạ, TP.Huế về việc không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC. Ảnh: C.Đ.T
Tháng 5/2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ công trình Cư xá Vỹ Dạ ở phường Vỹ Dạ, TP.Huế về việc không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC. Ảnh: C.Đ.T

Thời gian kiểm tra từ ngày 15/9/2023 đến ngày 30/10/2023 với các nội dung kiểm tra sau: Trách nhiệm về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 5 Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ. Điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ và Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ; Rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó làm rõ cụ thể các tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở.

Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh. Nắm chắc tình hình, tổ chức triển khai các biện pháp quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH theo đúng quy định của pháp luật, làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Không để xảy ra trường hợp cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động.

Đồng thời, đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở theo địa bàn, cấp quản lý; kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm về an toàn PCCC và CNCH, tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Bắt buộc các cơ sở phải khắc phục tất cả những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động, kiên quyết không để cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 121/NĐ-CP ngày 10/10/2013, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 và nay là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, trong đó có quy định cụ thể các hành vi vi phạm: xây dựng không phép, thi công sai với nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diện tích… và có các chế tài xử phạt tương ứng các hành vi vi phạm. Cùng với việc xử phạt, trong các Nghị định này còn bổ sung các chế tài nghiêm khắc như: tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng, buộc khôi phục tình trạng ban đầu; dừng thi công công trình xây dựng; tháo dỡ công trình, phần công trình sai phạm…

Bùi Quốc Dũng