Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp của năm 2020, để chủ động phòng chống bão, lũ lụt cho cây công nghiệp, cây ăn quả, Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân chuẩn bị tốt các tình huống để ứng phó và chủ động khắc phục sau thiên tai.

Chủ động trước bão, lũ lụt

Cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; Chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã (chú ý nên dùng ruột hay vỏ xe quấn xung quanh trước khi buộc dây để tránh gây hư hại vỏ thân cây hoặc cành; mở các dây kẽm ngay sau mưa bão).

Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão - Ảnh 1

Đối với cây đang mang trái nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm khi có những cảnh báo của cơ quan khí tượng, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái; Đối với vườn có hệ thống đê bao và mương tốt thì nên khống chế mực nước trong mương dưới mặt líp dưới 40cm; Xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.

Đối với những vườn đang trong giai đoạn xử lý khô hạn để tạo mầm hoa: Sử dụng màng nilon không thấm nước làm mái che trên mặt líp, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa bão đến hiệu quả xử lý ra hoa.

Một số biện pháp khắc phục sau mưa bão

Đào rãnh, tập trung bơm hút nước rút nhanh ra khỏi vườn cây; Đối với những cây bị gãy cành, nghiêng gốc:

Dùng cưa chuyên dụng cưa cành gãy, vệ sinh đồng ruộng. Tại vị trí cưa nên dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập vào cành cây gây hại; Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây; Xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ; Không nên xử lý ra hoa đối với cây bị ảnh hưởng do mưa bão như nghiêng ngã, gãy cành, nhánh;          

Đối với những cây thiệt hại nặng như trốc gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng cho trồng mới; Riêng đối với vườn chuối bị gẫy thân chính: Dọn và xử lý tàn dư cây gẫy đổ; có thể chọn 1 - 2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gẫy đổ.

Đối với những vườn xử lý trái vụ đang ra hoa, bị ảnh hưởng từ nhẹ đến trung bình: Tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa Bo hoặc các chất điều hòa sinh trưởng như NAA, GA3 giảm rụng quả và tăng tỷ lệ đậu quả.

Đối với những vườn đang xử lý ra hoa, hoặc đang ra hoa, bị ảnh hưởng toàn bộ (cây không thể ra hoa được hoặc hoa bị thối rụng): Cắt bỏ các trục (phát) hoa, tiếp tục chăm sóc, dưỡng cây để chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp.

Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa Ca, Cu, B, Zn để tránh hiện tượng nứt quả.

Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Có thể dùng các loại thuốc nấm như Ridomil hoặc Aliette.... tưới gốc 2 - 3 lần cách nhau 20 - 25 ngày. Nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất; Cây bị long gốc, cần dậm chặt đất, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm như Ridomil hoặc Aliette, hoặc các chế phẩm Trichoderma đối kháng nấm hại.... tưới gốc 2 - 3 lần cách nhau 20 - 25 ngày để phòng trị bệnh thối gốc và rễ cây. Nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất; Khi bộ rễ cây đã ổn định trở lại, mới tiến hành bón phân cho vườn cây ăn quả (khoảng 20 - 30 ngày sau).

Vương Anh