Cổ phiếu DHC: Khả năng sinh lời hàng tháng diễn biến theo xu hướng tích cực

Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC) đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020 trong 8 tháng đầu năm 2020; ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) tăng mạnh 54% trong cả năm 2020 và 10% trong năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch 21/9, cổ phiếu DHC giảm 1,7% xuống còn 45.600 đồng/cổ phiếu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VDSC đã tham gia buổi gặp gỡ NĐT trực tuyến của CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) diễn ra vào mới đây. Cuộc họp xoay quanh nhiều chủ đề, bao gồm KQKD 8 tháng đầu năm 2020 và triển vọng kinh doanh trong trung hạn. Nhìn chung, các ghi nhận chính từ cuộc họp củng số quan điểm tích cực của VCSC cho DHC.

Chúng tôi xin trích lại phân tích của VCSC như sau:

Theo ban lãnh đạo, DHC ghi nhận doanh thu đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+201%) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 201 tỷ đồng (+224%) trong 8 tháng đầu năm 2020. Ban lãnh đạo cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ này đến từ đóng góp của nhà máy giấy Giao Long 2, vốn đã bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 9/2019.

Theo ước tính của VCSC, tính riêng trong tháng 8/2020, DHC ghi nhận LNST sau lợi ích CĐTS đạt 17 tỷ đồng, cao hơn mức 10 tỷ đồng và 15 tỷ đồng ghi nhận lần lượt trong tháng 6 và tháng 7.

Ban lãnh đạo cho rằng lợi nhuận cải thiện chủ yếu nhờ giá giấy bao bì thành phẩm tăng so với các tháng trước. Trong các tháng còn lại của năm 2020, DHC kỳ vọng LNST sau lợi ích CĐTS hàng tháng sẽ ở mức khoảng 20 tỷ đồng, tương ứng LNST sau lợi ích CĐTS cả năm đạt 280 tỷ đồng (+54%).

Trong năm 2021, DHC kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 10% nhờ đóng góp doanh thu từ dòng sản phẩm giấy mới (giấy kraftliner) và khả năng các gián đoạn trong hoạt động kinh doanh do dịch COVID-19 hạ nhiệt. Kế hoạch lợi nhuận năm 2020 mới nhất của DHC phù hợp so với dự báo hiện tại của VCSC trong khi kế hoạch năm 2021 tỏ ra thận trọng hơn.

Theo DHC, giá thùng carton cũ (OCC) Châu Âu tăng từ 130 USD/tấn trong tháng 7 lên 160 USD/tấn trong tháng 9 – dù vẫn thấp hơn mức 200 USD/tấn trong tháng 4, thời điểm các gián đoạn do dịch COVID-19 đạt đỉnh (quý 4/2019: khoảng 90-100 USD/tấn).

DHC kỳ vọng giá OCC sẽ ổn định trong quý 4/2020 và sau đó giảm trong năm 2021 do Trung Quốc có kế hoạch ngưng nhập khẩu OCC từ đầu năm 2021.

Theo quan điểm của ban lãnh đạo, việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu – nếu được thực hiện – sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của DHC khi diễn biến này có khả năng dẫn đến mức dư thừa trên thị trường OCC toàn cầu trong khi chi phí sản xuất giấy gia tăng và kéo theo giá giấy bao bì tại Trung Quốc và Việt Nam tăng.

Ngoài ra, cũng theo ban lãnh đạo, giá bán giấy trung bình (ASP) theo hợp đồng của DHC cho các đơn hàng trong giai đoạn tháng 7-10 tăng 2%-3% MoM mỗi tháng.

Theo ước tính của VCSC, ASP giấy testliner của DHC (sản phẩm chính) trong tháng 8/2020 tăng 14% so với mức giảm trong tháng 6/2020 và tăng nhẹ 2% so với tháng 8/2019. Ban lãnh đạo kỳ vọng ASP giấy sẽ ổn định tại mức hiện tại hoặc tiếp tục tăng khi nhu cầu giấy bao bì từ các ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam và Trung Quốc phục hồi.

VCSC lưu ý rằng giá giấy bao bì của Việt Nam thường biến động theo giá giấy tại Trung Quốc do các công ty giấy tại Việt Nam cũng xuất khẩu sang Trung Quốc một phần bên cạnh bán chính trên thị trường nội địa. Ban lãnh đạo DHC cũng chia sẻ rằng công ty thông thường có thể chuyển mức tăng trong chi phí OCC sang các khách hàng với độ trễ từ 1 đến 2 tháng.

Bên cạnh đó, theo ban lãnh đạo, DHC đã đặt máy móc và thiết bị cho nhà máy giấy bao bì mới của công ty (P2) và kỳ vọng đưa nhà máy này vào hoạt động vào đầu năm 2021. VCSC lưu ý rằng nhà máy P2 sẽ tăng công suất giấy bao bì hàng năm của DHC thêm 130% từ 47 triệu đơn vị lên khoảng 130 triệu đơn vị.

Mặt khác, ban lãnh đạo có kế hoạch chạy thử dòng sản phẩm giấy kraftliner mới trong quý 4/2020. VCSC lưu ý rằng DHC dự kiến sử dụng 10% công suất của nhà máy giấy Giao Long 2 để sản xuất giấy kraftliner từ năm 2021.

Ngoài ra, giá bán giấy kraftliner cao hơn 30%-40% giá các sản phẩm giấy hiện tại của DHC. Theo ban lãnh đạo, SCG (Thái Lan) và Nine Dragons (Trung Quốc) là các nguồn cung giấy kraftliner chính hiện tại của Việt Nam.

Theo ước tính của VCSC, nhận định này của ban lãnh đạo cho thấy nhà máy Giao Long 3 sẽ tăng tổng công suất giấy của DHC thêm tối thiểu 80%. DHC đang thực hiện nghiên cứu khả thi và xin giấy phép đầu tư từ Chính phủ cho nhà máy Giao Long 3. Công ty dự kiến công bố thêm thông tin chi tiết về kế hoạch đầu tư cho Giao Long 3 tại ĐHCĐ năm 2021.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tú Thành