Phân tích cổ phiếu đáng quan tâm ngày 22/9

Dừng lúc đóng cửa phiên đầu tuần 21/9, chỉ số VN-Index tăng 6,99 điểm (+0,78%) lên 907,94 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 10,28 điểm (+1,22%) lên 851,54 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 220 mã tăng/184 mã giảm, ở rổ VN30 có 25 mã tăng, 3 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu. Bên cạnh đó nhóm midcap tăng 0,11% và nhóm smallcap giảm 0,21%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 22/9 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:

BSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu KBC

Theo BSC, cổ phiếu KBC vẫn đang ở trong trạng thái dao động đi ngang trong khu vực 13.5- 14 sau khi đã có sự hồi phục vào đầu tháng 8. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang có giá trị tốt và ổn định. Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực.

Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên KBC tiềm năng sẽ thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh 13.5. Mục tiêu chốt lãi của KBC nằm tại mức 15.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 13 bị xuyên thủng.

Nguồn: BSC
Nguồn: BSC

KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu BID

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, cổ phiếu BID giảm -0.5% xuống 40,800 VNĐ/cổ phiếu.

BID thông báo phát hành riêng lẻ thành công 418 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn ngày 17/9. Trong đó, ngân hàng chào bán 250 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 162 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 6 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Trái phiếu là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV theo quy định hiện hành.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VIB

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, cổ phiếu VIB tăng 2% lên 25,100 VNĐ/cổ phiếu.

VIB vừa thông báo cho biết đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuân việc VIB tăng vốn điều lệ từ 9,244 tỷ đồng lên 11,093 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu của VIB bằng việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng cho biết nguồn để tăng vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tổng cộng 1,849 tỷ đồng.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu TNG

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, cổ phiếu giảm 0,7% xuống còn 13.400 đồng/cổ phiếu.

MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 16.200 đồng trên cơ sở:

(i) nhu cầu về may mặc toàn cầu cải thiện sau dịch bệnh

(ii) hưởng lợi từ EVFTA khi thị trường châu Âu đóng góp tới trên 40% tổng doanh thu

(iii) sở hữu hệ thống quản trị nhân lực và hoạt động kinh doanh tốt

(iv) chủ trương mở rộng năng lực sản xuất, đảm bảo đáp ứng sự gia tăng đơn hàng.

TNG đã có những bước đi thành công trong việc tái cơ cấu tệp khách hàng, trong đó tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín, như Decathlon (41%), TCP (17%), Haddad (7,4%) – công ty thiết kế và phát triển mẫu, sản xuất và phân phối các sản phẩm của Nike, Adidas, Levi’s...

KQKD trong tháng 7 và tháng 8 ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, tương ứng 6% và 12% n/n. Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu xấp xỉ 8T2019 trong khi lợi nhuận giảm ~24% do biên LN gộp giảm khá trong bối cảnh khấu hao tăng khi nhà máy Võ Nhai mới đi vào hoạt động từ tháng 3 và phát sinh khoảng 8 tỷ đồng chi phí do đóng cửa cửa hàng TNG Fashion do ảnh hưởng của dịch.

DN cho biết đã ký hợp đồng cơ bản đủ hàng sản xuất hết Q4 2020 và tiếp tục nhận đơn đặt hàng cho 2 quý đầu năm 2021.

TNG hiện đang mở rộng sản xuất qua việc đầu tư vào một số dự án Nhà máy như Nhà máy May Võ Nhai, nhà máy May Đồng Hỷ. Dự kiến năm 2021 tăng thêm 16 chuyền may tại Võ Nhai và 15 chuyền Đồng Hỷ trong năm 2022. Số chuyền may dự kiến tăng mạnh từ 248 chuyền trong năm 2019 lên 295 chuyền đến năm 2022.

Để hoàn thiện hệ sinh thái dệt nhuộm tại miền Bắc nhằm giải quyết các vấn đề về xuất xứ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do, TNG cho biết Công ty đang triển khai đầu tư Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 với quy mô 70,5 ha và thời gian hoạt động là 50 năm. Dự kiến đến hết tháng 10 năm 2020 sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý. Năm 2021 sẽ triển khai giai đoạn 1.

Hiện tại, DA đã có quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt PA thiết kế PCCC.

Về dài hạn, Cụm Công nghiệp sẽ đem lại nguồn thu đều cho TNG đến từ các hợp đồng cho thuê khu công nghiệp với các đối tác.

Doanh nghiệp cho biết sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng việc huy động trái phiếu sẽ làm tăng dư nợ & áp lực trả nợ của doanh nghiệp trong dài hạn.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tạ Thành