10 nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất

Trong trường hợp động đất, cần phải trang bị những kỹ năng an toàn cơ bản trước, trong và sau khi sự kiện xảy ra để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ tính mạng và tài sản, cũng như đối phó với những dư chấn có thể xảy ra.

Gần đây, liên tiếp nhiều trận động đất đã diễn ra, gây lo lắng cho người dân. Theo Viện Vật lý Địa cầu, ngày 28/7 có 21 trận động đất, ngày 29/7 có 25 trận, ngày 30/7 có 4 trận và ngày 31/7 có 13 trận. Vào sáng ngày 1/8, lúc 04:12:49, một trận động đất có độ lớn 3.3 đã xảy ra tại Kon Tum. Việt Nam thường xuyên gặp các trận động đất nhỏ và trung bình, nhất là ở các khu vực có hoạt động địa chất như ven biển phía Bắc và miền Trung. Tuy rằng các trận động đất ở Việt Nam thường ít gây ra thiệt hại so với các nước nằm trên những vùng biển sâu hoặc gần các biên giới địa chấn, nhưng việc chuẩn bị và ứng phó với tình huống khẩn cấp vẫn rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Người dân cần chuẩn bị các kỹ năng cần thiết dể ứng phó khi xảy ra động đất. Ảnh minh họa
Người dân cần chuẩn bị các kỹ năng cần thiết dể ứng phó khi xảy ra động đất. Ảnh minh họa

Do đó, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến nghị người dân ghi nhớ 10 nguyên tắc cần áp dụng khi động đất xảy ra.

Nguyên tắc 1: Bảo vệ bản thân và gia đình mình! Những sự rung lắc mạnh đầu tiên của trận động đất chỉ diễn ra trong một vài phút. Hãy nấp dưới những cái bàn vững chắc như bàn ăn, bàn làm việc... để chống đỡ và bảo vệ đầu mình khỏi những đồ vật rơi xuống.

Nguyên tắc 2: Ngắt các nguồn ga, lò sưởi dầu... ngay khi bạn cảm thấy động đất, nếu lửa bùng ra, cần dập tắt nhanh chóng!. Hành động nhanh khi dập lửa sẽ ngăn ngừa những thảm họa lớn. Hãy tạo thành thói quen tắt nguồn ga, thậm chí cả trong những trận động đất nhỏ.

Nguyên tắc 3: Tránh việc vội vã đi ra khỏi nhà khi động đất đang xảy ra! Thật nguy hiểm để vội vã ra khỏi nhà. Kiểm tra cẩn thận tình hình xảy ra chung quanh mình và cố gắng hành động một cách bình tĩnh.

Nguyên tắc 4: Mở cửa để bảo đảm lối thoát! Nhất là trong những căn hộ bê-tông cốt sắt, cửa có thể bị biến dạng do động đất mạnh và không thể mở ra, bạn có thể bị nhốt ở trong phòng. Để tránh tình trạng nêu trên, phải mở cửa ngay lập tức để đảm bảo đường thoát ra ngoài.

Nguyên tắc 5: Khi ở ngoài trời, bảo vệ đầu và tránh xa khỏi những vật gây nguy hiểm. Nếu bạn gặp phải động đất khi đang ở ngoài trời, bạn nên bảo vệ mình khỏi những khối tường bê-tông đổ xuống và các đồ vật rơi xuống như các bộ phận của cửa sổ, các biển tên cửa hàng, biển quảng cáo. Trú ẩn tại tòa nhà an toàn hoặc nơi có không gian ngoài trời rộng.

Nguyên tắc 6: Nếu bạn ở cửa hàng lớn, siêu thị, rạp hát hoặc các địa điểm tương tự, theo sự chỉ dẫn của nhân viên. Ở những nơi đông người, một vài người có thể hoảng sợ, cần tránh để bị hốt hoảng theo và cần bìnhtĩnh.

Nguyên tắc 7: Đỗ xe vào sát lề đường, việc lái xe có thể bị cấm tại một số khu vực. Lái xe vì những việc cá nhân, ích kỷ làm cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn. Lắng nghe đài để có hành động phù hợp.

Nguyên tắc 8: Cẩn thận đá rơi, lở đất và sóng thần. Tại những nơi có hiểm họa đá rơi, lở đất và sóng thần, tìm nơi trú ẩn ở vị trí an toàn ngay.

Nguyên tắc 9: Di chuyển đến nơi trú ẩn bằng cách đi bộ hơn là đi xe ô tô, và chỉ mang theo những vật cần thiết. Lái xe ô tô có thể gây ra tắc đường và gây trở ngại cho xe cứu hỏa và các hoạt động cứu hộ. Vì vậy di chuyển đến nơi trú ẩn bằng cách đi bộ thay vì đi ô tô.

Nguyên tắc 10: Tránh việc hiểu nhầm vấn đề vì tin đồn sai, cố gắng thu thập và hành động theo những thông tin đúng.

Trong thảm họa, con người thường có khuynh hướng lan truyền các tin đồn thất thiệt và những thông tin không chính xác. Cố gắng có được thông tin chính xác qua các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền sở tại, trạm cứu hỏa và công an.

Nguyễn Tuấn Dũng

Từ khóa: