Thị trường bất động sản trong năm qua đã chịu tác động nặng nề từ môi trường kinh tế vĩ mô. Lãi suất duy trì ở mức cao đã khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trở nên đầy thử thách. Ngân hàng vẫn duy trì chính sách thắt chặt tín dụng đối với bất động sản nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu, khiến doanh nghiệp không thể huy động vốn một cách hiệu quả. Đồng thời, áp lực lạm phát toàn cầu kèm theo những bất ổn từ kinh tế quốc tế đã làm gia tăng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp chọn cách chần chừ gia nhập thị trường, đợi chờ những tín hiệu ốn định hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2024 có 4.241 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, có 1.137 doanh nghiệp bất động sản giải thể, cũng giảm nhẹ khoảng 1%.
Đây cũng là xu thế chung khi thống kê chung của tất cả các lĩnh vực có 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
So sánh số doanh nghiệp thành lập mới phân chia theo 7 nhóm lĩnh vực hoạt động thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới đứng thứ 6, chỉ trước nhóm sản xuất phân phối, điện, nước, gas (1.092 doanh nghiệp) và thấp hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (59.961 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, nếu về số lượng doanh nghiệp giải thể thì nhóm kinh doanh bất động sản lại đứng thứ 3 trong số 7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê.
Về vốn đầu tư FDI đổ vào bất động sản, theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ…
Các chuyên gia cho rằng, với 3 bộ luật mới Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp để các luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, doanh nghiệp bat động sản vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Các khó khăn chủ yếu tập trung ở khâu xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho đến cả những thách thức hiện hữu trong việc tiếp cận nguồn vốn…
Năm 2025 được dự báo thị trường sẽ tốt hơn nhờ “trợ lực” của nhiều Thông tư và Nghị định hướng dẫn được ban hành hoặc có hiệu lực trong quý III/2024 sẽ đẩy nhanh việc phát triển dự án và bán hàng vào năm 2025.
Cụ thể có hơn 20 Nghị định, Thông tư đã được ban hành trong quý III/2024 để hỗ trợ thực hiện các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Chủ đầu tư được hướng dẫn rõ ràng hơn để tiến hành các thủ tục và thúc đẩy phát triển nhiều dự án mới như: định giá đất, thu hồi đất, các khoản phí và nhiều yếu tố khác...
Ngoài ra, nỗ lực của Chính phủ từ đầu năm 2024 trong việc đẩy nhanh phê duyệt pháp lý cho các dự án bất động sản đã giúp gia tăng các dự án được cấp phép mới và đủ điều kiện bán hàng trong quý III/2024. Do đó, năm 2025, các chuyên gia dự báo, nhiều chủ đầu tư sẽ tăng mạnh số lượng dự án mới, giúp cải thiện doanh số bán hàng và dòng tiền.
Thị trường bất động sản luôn mang tính chu kỳ và trong những giai đoạn khó khăn nhất, khả năng thích ứng và sáng tạo sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Những tín hiệu hồi phục, dù nhỏ nhưng vẫn mang ý nghĩa lớn, đang chờ đợi các doanh nghiệp kiên nhẫn và đủ bản lĩnh vượt qua thách thức hiện tại.
Tiến Hoàng