Amazon - Tuyên chiến với hàng giả

Mới đây, Amazon đã công bố báo cáo năm với thông điệp 'Tuyên chiến với hàng giả'.

Amazon - Tuyên chiến với hàng giả - Ảnh 1

Trong năm 2022, với chiến lược phòng, chống hàng giả từ nền tảng bán lẻ trực tuyến nổi tiếng, Amazon đã thành công thu giữ và xử khoảng 6 triệu mặt hàng giả và 1.300 tội phạm. Đây là kết quả của số tiền đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD được đổ vào hoạt động của chiến dịch từ thương hiệu này. Được biết, khoản đầu từ trên đã được Amazon tuyển dụng gần 15.000 nhân viên, bao gồm cả các nhà phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó, sự thành công của chiến dịch cũng được làm nên phần lớn bởi Amazon đã làm việc với Đơn vị chống hàng giả (CUU). Tổ chức này đặc biệt hợp tác với Văn phòng nhãn hiệu và bằng sáng chế Mỹ (UPSTO) và một loạt thương hiệu như FELCO và King Technology.

Theo Văn phòng sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO), tệ nạn hàng giả vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, những người thực sự gặp rủi ro với sức khỏe và sự an toàn, chưa kể đến việc họ mua hàng giả là gián tiếp hỗ trợ tội phạm các mạng lưới bán hàng nhái.

Một nghiên cứu được EUIPO thực hiện cùng với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hàng giả chiếm 5,8% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu. Con số này tương đương 120 tỷ Euro mỗi năm, ở tất cả các lĩnh vực hiện có. Gần 670.000 việc làm sẽ bị mất mỗi năm do hàng giả.

Để đối phó với tình trạng hàng giả tràn lan, EUIPO cho biết, họ đang nỗ lực bảo vệ tốt hơn các quyền sở hữu trí tuệ như một phần của dự án chiến lược và đang hợp tác theo hướng này với Amazon.

Amazon đã phối hợp với nhà cung cấp giải pháp công nghệ Brother tiến hành một hành động pháp lý chống lại mạng lưới làm giả có trụ sở tại Đức. Đây là hành động đầu tiên trước tòa án dân sự do công ty cùng với một thương hiệu ở châu Âu khởi xướng chống lại mạng lưới làm giả.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn tương lai. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô khoảng 250 tỷ USD, tạo không gian tăng trưởng rộng lớn cho TMĐT.

Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về TMĐT được đẩy mạnh. Trong năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động TMĐT gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để lọc hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn TMĐT đã ứng dụng các biện pháp lọc kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và hình thức thủ công để kiểm tra sản phẩm hàng hóa đang bán có chính xác như mô tả, quảng cáo hay không; các thông tin cung cấp có chính xác so với tính chất của sản phẩm đang bán hay không.

Đồng thời, các sàn cũng thường dựa vào những báo cáo, nhận xét đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm hàng hóa để thực hiện hoàn tiền cho khách hàng, cũng như xác minh để gỡ sản phẩm không đảm bảo.

Do đó, bên cạnh trách nhiệm và nỗ lực của các sàn TMĐT, người tiêu dùng cũng cần thể hiện vai trò trách nhiệm của mình. Khi gặp tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trong khi mua sắm, khách hàng cần gửi báo cáo, phản hồi ngay cho sàn. Đây là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như góp phần tạo ra môi trường mua sắm lành mạnh và an toàn.

PV

Từ khóa: