Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng xuất khẩu chè tháng 11 năm 2020 ước đạt 12 nghìn tấn với giá trị đạt 20 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 11 tháng đầu năm 2020 đạt 124 nghìn tấn và 200 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng nhưng giảm 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá chè nguyên liệu trong tháng 11 ổn định. Tại Thái Nguyên nhờ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng nên hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ.
Thái Nguyên đã có gần 20% diện tích chè cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, sản xuất theo hướng hữu cơ. Các hộ trồng chè đều ứng dụng thành thạo quy trình canh tác chè an toàn, chất lượng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học, phát triển mạnh tưới chủ động, tưới tiết kiệm.
Hiện sản lượng chè chế biến các loại của tỉnh đạt gần 48.000 tấn; trong đó, chủ yếu là sản phẩm chè xanh truyền thống, chế biến theo quy mô nông hộ, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, có những mô hình chế biến chè ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thành phẩm, có bao bì nhãn mác.
Trong hơn 1 năm qua, Thái Nguyên tập trung phát triển sản phẩm OCOP và đã có 24 sản phẩm OCOP từ chè, xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Nhờ vậy, chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên được nâng cao rõ rệt.
Còn tại Lào Cai, toàn bộ chè búp tươi của tỉnh được 10 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè và khoảng 300 lò chế biến tư nhân thu mua. Năm 2020, dự ước sản phẩm chè chế biến đạt trên 6 nghìn tấn. Chè chế biến dạng thô, xuất khẩu sang các nước Trung Đông chiếm khoảng 45% với giá xuất khẩu trung bình từ 2,2 - 2,3 usd/1 kg. Chè Ô long, chè hữu cơ và các sản phẩm chè xuất khẩu sang Đài Loan chỉ chiếm 6,85% tổng sản lượng, giá xuất khẩu từ 8 - 35 usd/1 kg. Phần còn lại là chè chế biến bán ra thị trường trong nước và nội tỉnh, với giá bán bình quân từ 100 đến 300 nghìn đồng/1 kg. Có thị trường xuất khẩu ổn định cũng là điều kiện để các doanh nghiệp ký hợp đồng lâu dài với nông dân và nâng công suất chế biến.
Công ty cổ phần Chè Phong Hải Lào Cai sau nhiều tháng chật vật tìm thị trường cho chè xuất khẩu, giờ đã bắt đầu nhộn nhịp khi số đơn hàng từ các bạn hàng quen thuộc tăng trở lại. Ông Vũ Minh Đức - Giám đốc điều hành công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai chia sẻ: Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho các hộ làm chè là tập trung thâm canh, tăng năng suất, để công ty có nguyên liệu đầu vào chất lượng. Phía công ty đã tập trung đầu tư vào dây chuyền công nghệ, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu và đã làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm của công ty.
Khi hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực, công ty cổ phần Chè Phong Hải Lào Cai cũng nhanh chóng đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản, để thay đổi phương pháp chăm sóc chè. Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng sản lượng chè búp và mở rộng diện tích, để đáp ứng những đơn hàng lớn. Nếu năm 2019 chè chất lượng cao được mua với giá 8 nghìn đồng thì năm 2020 công ty đang mua là giá 10 nghìn đồng/1kg. Khi áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ hoặc quy trình canh tác GLOBALGAP theo chuẩn châu Âu, giá mua chè búp tươi chắc chắn là được nâng lên cao hơn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có vùng chè xã Phú Nhuận (diện tích lên tới 350 ha) là vùng chè mới hình thành khoảng 15 năm nên toàn bộ được trồng bằng chè râm hom. Đây cũng là vùng chè đạt tỉ lệ đồng đều cao, khoảng cách ổn định, không bị mất khoảng. Là vùng chè mới nên nhiều biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hái cũng được nông dân tiếp cận. Nhờ đó, Phú Nhuận trở thành vùng có năng suất chè cao nhất tỉnh.
Sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung được nhận định là vẫn có bước tăng trưởng ổn định so với nhiều nước trong khu vực. Thời điểm những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất cần tận dụng tốt cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam vừa ký kết với các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, để không mất cơ hội tại những thị trường truyền thống và các thị trường mới, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, có như vậy mới không lo mất ưu thế hậu Covid-19.
Dinh Dinh