Ảnh hưởng từ dịch Covid 19, Chè Việt Nam gặp khó ở những thị trường khó tính

Xuất khẩu chè Việt Nam hiện vẫn chủ yếu đi vào các thị trường dễ tính, với 3 thị trường chính: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga. Tại các thị trường lớn có yêu cầu cao và khó tính như Mỹ, EU… thì chè Việt Nam gần như chưa tìm được chỗ đứng... Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid -19 gây ra, chi phí vận tải tăng cao, công tác xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện hạn chế... càng khiến chè Việt Nam gặp khó khăn.

Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đa phần chè Việt Nam mới chỉ chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Indonesia hay Trung Quốc mà chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ hay Australia. 

Trong đó, Pakistan luôn dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ chè của Việt Nam nhiều năm qua. Trong trong nửa đầu năm 2021, Pakistan nhập khẩu 17.274 tấn, tương đương với 33,41 triệu USD; chiếm 29,7% trong tổng lượng và chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Đáng nói, mặc dù sản lượng chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan luôn đạt kim ngạch cao nhưng chè nước ta vẫn chỉ chiếm 1 phần tỷ trọng nhỏ trên tổng lượng tiêu thụ tại đây. 

Đài Loan là thị trường thứ 2. Trong 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu chè sang thị trường này đạt 8.425 tấn và 12,98 triệu USD; tăng 15 % về lượng và tăng 12,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường thứ 3 mà Việt Nam xuất khẩu chè là Nga. Trong nửa đầu năm nay, Nga tiêu thụ sản lượng chè của Việt Nam đạt mức 6.501 tấn, tương đương với 10,33 triệu USD, giá 1.589 USD/tấn, giảm 11,8% về lượng, giảm 7% kim ngạch nhưng tăng 5,5% về giá so với cùng kỳ, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.

Ảnh hưởng từ dịch Covid 19, Chè Việt Nam gặp khó ở những thị trường khó tính - Ảnh 1

Có thể thấy, thị trường chính của chúng ta đa phần là các nước dễ tính. Tại các thị trường có yêu cầu cao và khó tính như Mỹ, EU, Australia… thì chè Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm chè đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường này. Như riêng với Australia, trong 6 tháng đầu năm 2021, chè Việt Nam chỉ chiếm 0,08% tổng lượng chè nhập khẩu của quốc gia này. Còn tại Ba Lan nền kinh tế lớn thứ sáu trong EU, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam cũng chỉ chiếm khối lượng nhỏ (0,6%) trong tổng khối lượng chè nhập khẩu tại nước này. 

Đó là bởi các thị trường này có yêu cầu chất lượng rất cao, trong khi sản phẩm chè Việt Nam chưa đáp ứng được chất lượng cũng như mẫu mã. Chính vì thế, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong sức tiêu thụ chè toàn cầu. 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, tình hình càng khó khăn hơn cho ngành chè nước ta khi hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, chi phí vận tải tăng cao, lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài cũng rất hạn chế nên tình hình kinh doanh rất khó khăn.

Trong đó, tình hình tiêu thụ tại một số doanh nghiệp sản xuất chè lớn của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao.

Ông Trần Quốc Văn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè trước đây như Châu Âu, Mỹ, Anh... chưa thể thông quan trở lại, hiện công ty còn khoảng 80 tấn chè khô đang tồn kho, chưa thể xuất bán. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo bao tiêu chè búp tươi như đã ký kết với người dân nên số chè tồn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trước khi thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại.

Chia sẻ thêm về những khó khăn đang phải đối mặt, ông Văn cho biết: Nếu tồn kho lâu sẽ ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng chè. Do vậy, để đảm bảo chất lượng chè, các khâu sản xuất, đóng gói phải làm kỹ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sản xuất kéo dài hơn khiến các chi phí gia tăng, trong khi sản phẩm chè thời điểm hiện tại công ty đang xuất bán với giá 3.700 - 4.000 đồng/kg (thấp hơn năm trước 10 - 20%). Để duy trì vùng nguyên liệu hơn 430 ha và ổn định sản xuất, đơn vị tập trung vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu ổn định để khi dịch bệnh được khống chế, thị trường được khơi thông sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường. Đồng thời, đơn vị cũng lên kế hoạch sản xuất chè xanh đặc sản nội tiêu trong tỉnh và trong nước, hy vọng cuối năm sẽ có thể đưa sản phẩm chè nội tiêu ra thị trường.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 79,9 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 1.685,9 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2020.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.664 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin.

Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2021 lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan, Nga và Trung Quốc đều giảm mạnh. Trong khi đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường: I-rắc, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Ả rập xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Đức tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường I-rắc đạt 599 tấn, trị giá 918,6 nghìn USD, tăng 106,6% về lượng và tăng 98,9% về trị giá; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 509 tấn, trị giá 696,2 nghìn USD, tăng 76,1% về lượng và tăng 86% về trị giá… Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ các thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường Pa-ki-xtan và thị trường Đài Loan vẫn tăng khá. Trong đó, chè xuất khẩu sang Pa-ki-xtan đạt 24,5 nghìn tấn, trị giá 47,9 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 12,1 nghìn tấn, trị giá 18,56 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lượng chè xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm 45,9% tổng lượng chè xuất khẩu.

Trước những hạn chế bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, vượt qua đại dịch Covid-19 một cách thành công, thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như:

- Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến.

- Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Cơ cấu lại tỷ lệ chè đen và chè xanh một cách hợp lý để đảm bảo đáp ứng cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

- Duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ…

- Thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đồng thời đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng thị trường, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè. Các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn./.

 * Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh 

Từ khóa: